Cây chè xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống

So với các tỉnh, thành phố trồng chè trong cả nước, Phú Thọ được đánh giá là vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây chè. Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, thuộc chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Tỉnh hiện đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3 về sản lượng chè trong số các tỉnh sản xuất chè của cả nước.

Đến nay, cây chè đã được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập,… Chè trở thành cây trồng chủ lực giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao đời sống của người trồng chè.

Nhờ có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, đến nay tổng diện tích chè của tỉnh Phú Thọ đạt trên 16 nghìn ha với sản lượng chè búp tươi đạt trên 184 nghìn tấn, tăng gần 30 nghìn tấn so với năm 2015. Năng suất chè búp tươi bình quân đạt trên 117 tạ/ha, tăng 8 tạ so với năm 2016.

{keywords}
 Phú Thọ sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây chè

Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất chè, quy hoạch, xây dựng vùng chè an toàn. Toàn tỉnh hiện có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 HTX sản xuất, chế biến chè.

Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thì các lớp tập huấn cũng thường xuyên được tổ chức để hướng dẫn người trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng mới. Một số sản phẩm chè đã được truy suất nguồn gốc như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà, chè Yên Kỳ, chè Phú Thịnh, chè Hoàng Văn, chè Long Cốc…

Nhiều sản phẩm chè của tỉnh không chỉ đáp ứng được thị trường nội địa mà đã có thể xuất khẩu sang nhiều nước, ngay cả một số thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Hà Lan, Đức…

Tăng cường xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”

Mặc dù là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng chè lớn hàng đầu của cả nước nhưng hầu hết sản phẩm chè của Phú Thọ vẫn chưa có tên tuổi và chỗ đứng tương xứng trên thị trường. Không những vậy, nhiều sản phẩm chè Phú Thọ còn bị trà trộn với các nhãn hiệu khác.

Do đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ”, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường.

UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là căn cứ để phát triển diện tích chè an toàn toàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh đang tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục tái cơ cấu cây chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm; nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tỉnh cũng nhân rộng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị thông qua ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè.

Tỉnh sẽ rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, tìm kiếm thị trường giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm, nhằm mở rộng xuất khẩu theo hướng bền vững.

Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ hỗ trợ triển khai thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho các sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” giai đoạn 2016 - 2020, nhằm góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế, sức cạnh tranh trên thị trường; tăng giá trị và uy tín của sản phẩm cũng như thu nhập, đời sống của nhân dân... của tỉnh. Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành trong năm nay.

Thời gian tới Phú Thọ sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển cây chè; đồng thời, huy động, lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tập trung phát triển cây chè theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Dự kiến, kinh phí đầu tư cho phát triển ngành chè là trên 118 tỷ đồng.

Quang Ninh