Tại Phú Yên, ước tính lao động nữ chiếm gần 47% lực lượng lao động của tỉnh. Thực hiện Chiến lược quốc gia bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai chiến lược về BĐG, bao gồm mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

{keywords}
Phụ nữ đặc biệt phụ nữ nông thôn cần được tăng cơ hội tiếp cận việc làm. 

Tỉnh đề ra mục tiêu giai đoạn 2011-2015 hàng năm có khoảng 23.500 lao động có việc làm mới; giai đoạn 2016-2020 là 24.000. Nhờ khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương kết hợp các giải pháp phát triển chương trình kinh tế - xã hội đúng hướng, giai đoạn 2016-2020 mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm mới trên 24.710 lao động, trong đó tỉ lệ nữ chiếm gần 50%, vượt kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ phụ nữ được đào tạo và giải quyết việc làm ngày càng tăng. Không những vậy, lực lượng phụ nữ được tiếp cận với kỹ thuật, cũng như các chương trình, dự án ngày càng nhiều.

Hiện tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi của tỉnh được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đã đạt trên 40%; tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng DTTS có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức ước đạt 95% năm 2020.

Hội Phụ nữ các cấp cũng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về chuyển dịch cây trồng vật nuôi, hướng dẫn hộ phụ nữ nghèo cách làm ăn, cách tiếp cận các nguồn vốn trợ giúp giải quyết việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp các hội viên nâng dần thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế. Nhiều chị em phụ nữ là chủ doanh nghiệp đã cùng với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư ngày càng nhiều cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.

Thu Hà