Tối 12/12, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã trao Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2020 cho 10 cá nhân xuất sắc. 

Đây là giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ dành cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Giải thưởng này nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc ở 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới.

{keywords}
Hình ảnh trong đêm trao giải

Tính ứng dụng, hiệu quả cao

Năm nay, có tổng cộng 51 hồ sơ ứng viên. Theo đánh giá của Ban tổ chức, số lượng hồ sơ của các ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài tăng lên, chất lượng hồ sơ tốt, có nhiều thành tích xuất sắc.

Theo đại diện Ban tổ chức: “Năm 2020 là năm thứ hai thực hiện đăng ký trực tuyến, nhờ đó, thông tin được rộng rãi đến các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước, số lượng và chất lượng hồ sơ cũng được nâng lên”. 

Nhiều cá nhân là chủ nhiệm đề tài khoa học, công nghệ cấp quốc gia, có đề tài ứng dụng thực tế đem lại hiệu quả cao, có nhiều công trình khoa học chất lượng cao thuộc danh mục Q1, có nhiều bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được công nhận, nhiều giải thưởng, huy chương trong nước và quốc tế...

Ngoài việc khen thưởng những nhà khoa học trẻ có thành tích xuất sắc, giải thưởng Quả Cầu Vàng còn là dịp kết nối các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước, mở ra những cơ hội hợp tác nghiên cứu trong tương lai.

Qua xét chọn, ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2020 cho 10 cá nhân, trong đó 1 người ở lĩnh vực Công nghệ Thông tin và Truyền thông; 2 người ở lĩnh vực Công nghệ Sinh học; 3 người lĩnh vực Công nghệ Môi trường; 2 người lĩnh vực Công nghệ Y dược; 2 người lĩnh vực Công nghệ Vật liệu mới. 

10 gương mặt xuất sắc năm nay đều đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng trong nước, 5 tài năng trẻ người Việt đang học tập và làm việc tại nước ngoài như Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia.

1. Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Lê Duy (sinh năm 1987), Bệnh viện ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh.

Anh có 25 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó 16 bài thuộc danh mục Q1, 7 bài thuộc danh mục Q2, 1 bài thuộc danh mục Q3, 1 bài thuộc danh mục Q4. Cùng đó là tác giả chính Giáo trình "Miễn dịch đại cương".

2. Tiến sĩ, Bác sĩ Đào Văn Tú (sinh năm 1985), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K Hà Nội.

Anh có 6 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó tác giả chính 1 bài thuộc danh mục Q1, 2 bài thuộc danh mục Q2, 1 bài thuộc danh mục Q4, 2 bài thuộc tạp chí quốc tế khác. 13 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí trong nước.

Anh cũng là chủ nhiệm 8 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở đã nghiệm thu.

Chủ nhiệm 1 đề tài cấp quốc gia đang triển khai giai đoạn 2019-2023. Thư ký khoa học kiêm thành viên thực hiện chính đề tài cấp quốc gia về Ung thư tụy.

Chủ nhiệm 3 thử nghiệm lâm sàng (tương đương đề tài cấp Bộ) và là nghiên cứu viên của 20 thử nghiệm lâm sàng đã và đang triển khai tại Bệnh viện K.

Anh cũng được nhận Giải thưởng Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2020.

{keywords}
 

3. TS Nguyễn Hoàng Chinh (sinh năm 1990), Nghiên cứu viên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Anh có 37 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó: 15 bài thuộc danh mục Q1; 5 bài thuộc danh mục Q2; 10 bài thuộc danh mục Q3; 7 bài thuộc danh mục Q4.

Anh nhận phần thưởng “Travel grant award” do Bộ Khoa học và Công nghệ Đài Loan tài trợ tham dự báo cáo Oral tại hội thảo quốc tế tổ chức tại Mỹ vào tháng 10/2018.

Anh cũng tham gia phản biện cho 16 tạp chí ISI nổi tiếng thuộc 7 nhà xuất bản lớn trên thế giới như: Nature, Elsevier, Springer, Wiley, SAGE, Taylor & Francis và American Chemical Society.

4. TS Hồ Thanh Tâm (sinh năm 1989), Giảng viên, Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu, Trường ĐH Duy Tân.

Anh có 17 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó 12 bài thuộc danh mục Q1, 3 bài thuộc danh mục Q2, 2 bài trên tạp chí quốc tế khác. 10 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. 6 báo cáo khoa học được đăng toàn văn trong kỷ yếu các hội nghị khoa học quốc tế.

Anh tham gia 9 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực xét thưởng tại Hàn Quốc. Có 2 giải thưởng báo cáo xuất sắc tại các hội nghị khoa học tại Hàn Quốc.

5. TS Huỳnh Thế Thiện (sinh năm 1988), Nghiên cứu sau tiến sĩ, Viện Công nghệ Quốc gia Kumoh, Hàn Quốc.

Có 58 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 21 bài thuộc danh mục Q1, 2 bài thuộc danh mục Q2, 1 bài thuộc danh mục Q3, 33 bài thuộc danh mục Q4.

Chủ nhiệm 01 đề tài khoa học cấp quốc gia: “Hierarchical Visual Deep Framework for High-Risk Physical Behavior Attention” được cấp bởi Quỹ nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc từ 6/2019 đến 5/2022. Thành viên nghiên cứu (từ 6/2014 đến 5/2018) của đề tài khoa học cấp Bộ “Mining Minds Core Technology Exploiting Personal Big Data” được cấp bởi Bộ thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc.

Tham gia phản biện cho các tạp chí chuyên ngành như: Information Sciences, IEEE Transaction on Circuits and Systems for Video Technology, IEEE Transaction on Industrial Informatics, IEEE Access, IEEE Transactions on Cognitive and Developmental Systems.

6. TS Lý Quang Việt (sinh năm 1985), Nghiên cứu sau tiến sĩ, Trung tâm Quốc gia hợp tác quốc tế nghiên cứu về kỹ thuật và khoa học màng lọc, Trường ĐH Công nghiệp Thiên Tân, Trung Quốc.

Anh có 25 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó: 23 bài thuộc danh mục Q1, 2 bài thuộc danh mục Q2. Có 2 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí trong nước.

Anh là nghiên cứu viên chính đề tài cấp quốc gia (Trung Quốc): “Phân tích đặc tính của chất hữu cơ hòa tan trong quá trình xử lý nước thải bằng phương pháp màng lọc”.

Anh cũng là thành viên phản biện của 7 tạp chí SCI uy tín, trong đó có: Water Research (IF 9.1), Journal of Membrane Science (IF 7.1), Environment International (IF 7.5).

7. TS Đặng Đức Huy (sinh năm 1988), Giáo sư tập sự, Trường ĐH Trent, Canada.

Anh có 21 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1. Tác giả chính 1 báo cáo khoa học được giải thưởng báo cáo xuất sắc poster tại hội thảo khoa học quốc tế có uy tín.

Giành giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc, Hội hóa học Pháp vùng PACA năm 2015.

Từ năm 2020 đến nay là thành viên Ban Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu chất lượng nước, Trường Đại học Trent.

Từ năm 2019 đến nay, anh là Phó Tổng biên tập, tạp chí Archives of Environmental Contamination and Toxicology (Q2), NXB Springer.

8. TS Trần Văn Huy (sinh năm 1985), điều phối viên Hợp tác Quốc tế, Hiệp hội Ngành nước Australia.

Anh có 11 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q1. Tác giả chính 2 báo cáo xuất sắc và 3 báo cáo được đăng toàn văn trong kỷ yếu hội thảo quốc tế.

Hiện đang triển khai dự án chuyển giao công nghệ xét nghiệm vi-rút corona gây bệnh COVID-19 trong môi trường nước được phát triển tại Úc sang Việt Nam nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong việc phát hiện sớm sự lây lan của dịch bênh và hỗ trợ việc đưa ra phương án ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19.

9. TS Nguyễn Phan Thắng (sinh năm 1987), Giáo sư tập sự, Trường ĐH Gachon, Hàn Quốc.

Anh có 43 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, trong đó: 28 bài thuộc danh mục Q1, 11 bài thuộc danh mục Q2, 4 bài thuộc danh mục Q3.

Anh nhận khen thưởng của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc vì có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc ACVYS 2016, 2017.

10. TS Đoàn Lê Hoàng Tân (sinh năm 1987), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Anh có·26 bài báo đã công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó: 22 bài đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q1, 3 bài thuộc danh mục Q2, 1 bài thuộc danh mục Q3. Có 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và 3 báo cáo khoa học đã đăng toàn văn trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế.

Thanh Hùng