Bên cạnh đó, nhiều hộ nghèo đã tự nguyện viết đơn xin thoát khởi 'bầu sữa' hộ nghèo.

Từ năm 2016-2019, tổng số hộ viết đơn xin thoát nghèo, thoát cận nghèo là 136 hộ. Việc xin thoát nghèo của các hộ dân không chỉ đơn thuần là xóa tên trong danh sách những người nhận trợ cấp, ưu đãi của Nhà nước hàng tháng, mà hơn hết đó là sự tự trọng, là ý thức không trông chờ, ỷ lại vào xã hội.

Họ là những tấm gương, là động lực để các hộ nghèo khác nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

{keywords}
Chị Hồ Thị Lý, một trong những hộ gia đình ở thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. 

Để người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong tỉnh đã xác định, công tác xóa đói, giảm nghèo và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Vì vậy,  tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo dõi, phụ trách, chỉ đạo từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể của Chương trình giảm nghèo bền vững.

Sở Lao động, Thương binh & Xã hội là cơ quan thường trực theo dõi Chương trình giảm nghèo bền vững đã thực hiện Chương trình ký kết phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững với các tổ chức đoàn thể. Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng các phong trào từ thiện, nhân đạo; tổ chức các phong trào thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp nhằm tạo điều kiện để người nghèo, người cận nghèo nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi về giáo dục đối với các học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định. Khuyến khích động viên người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số tích cực đến trường học tập, nâng cao trình độ văn hóa.

Việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng được quan tâm, đầu tư . Tỉnh đã thực hiện cấp trên 840.000 lượt thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và người dân ở vùng đặc biệt khó khăn.

Tỉnh Quảng Trị xác định, nguồn lực địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng, làm đòn bẩy tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo tại địa phương, nguồn vốn ủy thác địa phương từ tỉnh đến huyện chuyển qua NHCSXH mỗi năm đều tăng và thực hiện cấp vốn ngay từ đầu năm.

Tổng số lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn là 121.175 lượt hộ, với tổng số tiền cho vay là 4.123,13 tỷ đồng (từ năm 2016-2020). Thông qua việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư cho sản xuất- kinh doanh.

Với sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh cùng sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo và sự chủ động viết đơn xin thoát nghèo của các hộ nghèo đã khẳng định, sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội về giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, khơi gợi và lan tỏa mạnh mẽ ý chí thoát nghèo của người dân.

Ngọc Trang
Ảnh: Hoài Linh