Các vụ tấn công trên không gian mạng thường có chủ đích nhắm vào tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ. Tuy nhiên, nhiều vụ tấn công thời gian gần đây còn nhắm vào các thiết bị cá nhân, từ đó lợi dụng để sử dụng vào mạng máy tính ma (botnet), đào tiền ảo, tống tiền…

Thật vậy, thống kê của Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho thấy Việt Nam có hơn 2 triệu IP nằm trong mạng botnet. Trong đợt rà soát tháng 10, con số này đã giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu IP.

Tuy nhiên, nếu không nắm vững các quy tắc bảo mật cá nhân sau đây, thiết bị cá nhân của người dùng sẽ rất dễ rơi trở lại vào mạng botnet.

Không vội vàng ấn vào đường link lạ

Lưu ý hàng đầu của chuyên gia bảo mật đó là người dùng không được tự ý ấn vào các đường link lạ. Nhưng để phân biệt đâu là link thật, đâu là link lạ là cả một câu chuyện phức tạp với người dùng phổ thông.

Thậm chí, tin tặc có thể dễ dàng đánh lừa người dùng bằng một text link thật, nhưng lại trỏ về một đường link khác chứa mã độc. Đây chính là chiêu trò cơ bản mà kẻ xấu lừa người dùng trúng thưởng nhưng thực chất là vào link có chứa mã độc. Dù vậy vẫn có không ít người sập bẫy vì ‘nhẹ dạ cả tin’. 

Vì thế, chuyên gia khuyến cáo người dùng nên tập thói quen trước khi ấn vào mỗi đường link thì hãy thử tìm kiếm về tên miền đó trên Google. Nếu đánh giá xếp hạng kém uy tín, tốt nhất không nên click bừa bãi. 

Không sử dụng mật khẩu dễ đoán

Một vấn đề cơ bản với người dùng là đặt các loại mật khẩu cho Wi-Fi, camera an ninh và các thiết bị cá nhân trong gia đình một mật khẩu chung và vô cùng dễ đoán. Điều này tưởng như là chuyện đùa nhưng đến năm 2020, mật khẩu ‘123456789’ vẫn là phổ biến nhất thế giới. Tai hại ở chỗ, tin tặc có thể sử dụng các loại tấn công như dò mật khẩu (brute force) hoặc tấn công từ điển (dictionary attack) để dễ dàng tìm ra những mật khẩu đơn giản như vậy. 

Những quy tắc cơ bản để bảo mật thông tin cá nhân
Tin tặc có thể tấn công dò mật khẩu và tung nó lên mạng.

Với người dùng đặt mật khẩu chung cho tất cả loại dịch vụ trên mạng, hệ lụy xảy ra còn là nghiêm trọng hơn rất nhiều khi kẻ xấu từ đó có thể chiếm đoạt được tiền trong tài khoản ngân hàng, chiếm giữ hình ảnh hoặc dữ liệu nhạy cảm được lưu trữ trên mạng để từ đó tống tiền nạn nhân...

Tất nhiên, với quá nhiều mật khẩu phải nhớ và được yêu cầu đổi thường xuyên mỗi vài tháng một lần, người dùng sẽ cảm thấy hoa mắt chóng mặt khi phải ghi nhớ quá nhiều thứ như vậy. Vì thế, có hai cách phổ biến để nhớ mật khẩu là sử dụng phần mềm ghi nhớ mật khẩu chung cho tất cả các dịch vụ. Cách thứ hai là ghi mật khẩu ra giấy viết tay và để trong ví hoặc trong phạm vi dễ tìm.

Không tin tưởng người lạ trên mạng

Khi được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân từ người lạ hoặc từ một phần mềm hay ứng dụng nào đó, chuyên gia khuyến cáo người dùng không nên vội vàng cung cấp ngay thông tin. Trước hết, cần xác định rõ ai, tổ chức hoặc cơ quan nào đưa ra yêu cầu này. Thông tin này sẽ được sử dụng vào việc gì và lưu trữ ra sao. 

Một mẹo nhỏ mà các chuyên gia khuyên dùng đó là sử dụng địa chỉ công cộng và số điện thoại public trên mạng khi đăng ký các dịch vụ không quan trọng và chỉ có nhu cầu dùng một lần. 

Không chia sẻ thông tin cá nhân

Môi trường Internet là nơi rất dễ để thông tin cá nhân bị thu thập và phát tán dùng vào mục đích xấu. Vì lẽ đó, người dùng nên hạn chế chia sẻ những thông tin nhạy cảm lên mạng như căn cước công dân, vé máy bay, tàu hỏa, vị trí hiện tại và bất cứ thông tin nào khác gắn với họ tên, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản ngân hàng. 

Xa hơn, người dùng cần biết cách thiết lập chế độ riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, diễn đàn… Điều này là để các công cụ tìm kiếm sẽ không tìm được danh tính của bạn và từ đó kẻ xấu không thể truy xét ra.

Ngoài ra, việc không chia sẻ thông tin cá nhân còn bao gồm cả không đồng ý cấp quyền truy cập cho các ứng dụng trên điện thoại một cách vô tội vạ, không vội vàng đồng ý vào điều khoản sử dụng dịch vụ, đồng ý cho lưu trữ cookies trên máy tính… 

Những dữ liệu này một khi được lưu trữ và sử dụng bởi bên thứ ba sẽ có những tác hại không thể lường trước. Bởi ngay cả những công ty lớn như Facebook cũng vướng vào những vụ bê bối bán dữ liệu cho bên thứ ba là Cambridge Analytica.

Nhìn chung, những biện pháp bảo mật là không bao giờ đủ với các trò lừa, giả mạo, tấn công chiếm đoạt tài khoản muôn hình vạn trạng như hiện nay. Vì thế người dùng cần có sự cập nhật thông tin một cách liên tục, tìm hiểu về những khái niệm cơ bản của virus, mã độc, botnet… nhằm hiểu và biết cách phòng tránh.

Thục Anh