{keywords}
“Mình có nhà ở, có điện thắp sáng, nước sạch dùng, hàng năm không thiếu lương thực hà cớ gì vẫn làm hộ nghèo, trong khi đó bao nhiều trường hợp khác còn đói khổ hơn mình”.

“Mình có nhà ở, không thiếu lương thực hà cớ gì vẫn làm hộ nghèo“

Ông Đàm Văn Tịnh ở thôn Khuổi Dấm, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã hơn 80 tuổi, vẫn còn chịu khó lao động, vẫn cầm dao, cầm cuốc ra đồng làm vườn. Ông là một trong những hộ xin thoát nghèo.

Trước đây ông từng có thời gian đi bộ đội rồi về công tác tại địa phương, đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Thời kỳ về nghỉ chế độ, lương hưu ít ỏi, nhà thì đông con, cuộc sống không tránh khỏi thiếu thốn. Khi Nhà nước thực hiện công tác rà soát hộ nghèo và cận nghèo, gia đình ông được xếp vào hộ nghèo của xã.

Mặc dù được hưởng các chế độ ưu tiên của hộ nghèo nhưng bản thân ông nhận thấy xung quanh mình còn rất nhiều người hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ. Vậy là ông động viên các thành viên trong gia đình chăm chỉ lao động, quyết tâm thoát nghèo. Cách nay mấy năm, ông xin thoát nghèo nhưng địa phương chưa đồng ý, vì thấy gia đình chưa đủ điều kiện. Năm ngoái, ông Tịnh một lần nữa lại tiếp tục xin thoát nghèo và đã được cấp thôn, xã xem xét các tiêu chí và chấp thuận.

Ông Tịnh thẳng thắn: “Mình có nhà ở, có điện thắp sáng, nước sạch dùng, hàng năm không thiếu lương thực hà cớ gì vẫn làm hộ nghèo, trong khi đó bao nhiều trường hợp khác còn đói khổ hơn mình”.

“Là hộ nghèo mãi cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ lắm!”

Ở xã Mỹ Thanh vừa qua cũng có 2 trường hợp xin thoát nghèo là chị Nguyễn Thị Thắm ở thôn Phiêng Kham và chị Phạm Thị Anh ở thôn Bản Luông.

Ngôi nhà chị Thắm đang ở đã được xây dựng kiên cố, nhìn qua ít ai cho rằng đây từng là hộ cận nghèo của các năm 2017, 2018. Tuy nhiên, qua đợt rà soát mới đây nhất chị vẫn được công nhận là hộ cận nghèo do thiếu hụt một số tiêu chí. Thấy vậy chị Thắm đã bàn với chồng làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Chị Thắm quan niệm: “Tôi và chồng đều khỏe mạnh, con cái đã trưởng thành, có ruộng vườn để phát triển kinh tế. Nếu là hộ nghèo mãi cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ lắm”. Trước đề nghị của gia đình, xã đã xem xét kỹ các tiêu chí và cho hộ chị Thắm ra khỏi diện hộ cận nghèo.

Lâu nay, những câu chuyện về hộ nghèo xin thoát nghèo rất ít gặp, bởi nhiều người còn mang nặng tư tưởng ỷ lại để được hưởng các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước. Thậm chí còn có trường hợp tìm mọi cách để trở thành hộ nghèo. Song, bên cạnh những câu chuyện buồn thì vẫn có những con người có cái nhìn lạc quan, suy nghĩ tích cực, yêu lao động, quyết tâm thoát khỏi hộ nghèo để làm chủ cuộc sống... thật đáng trân trọng.

Nhận định về điều này, bà Phùng Thị Hiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông chia sẻ: “Đến nay, huyện Bạch Thông còn 17,33% hộ nghèo và 10,1% hộ cận nghèo. Thông qua hoạt động rà soát vào cuối năm, lần đầu tiên huyện Bạch Thông ghi nhận có người dân xin thoát nghèo. Đây là hành động được các cấp, ngành địa phương đánh giá cao. Cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các xã rà soát và báo cáo về các hộ làm đơn xin thoát nghèo. Tuy số hộ xin thoát nghèo chỉ chiếm số ít, nhưng cũng là một động thái tích cực để giúp cho việc tuyên truyền về công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt, qua đó giúp người dân nhận thức đúng đắn về công tác giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, có ý chí vươn lên”.

Thanh Thủy (tổng hợp)
Ảnh: Văn Điệp