Từ ngày 8-10 đến ngày 15-10, Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI Việt Nam) phối hợp với Sở Y Tế và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Ninh tổ chức tuần lễ rửa tay nhằm hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng (15-10) tại các nhà máy trên địa bàn.

{keywords}
Tuần lễ rửa tay thu hút 15.000 người tham gia

Theo đó, Tuần lễ rửa tay xà phòng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà máy, công nhân với số lượng tiếp cận khoảng 15.000 người tham gia thông qua các kênh truyền thông và 4.000 người tham gia trực tiếp tại sự kiện, với những hoạt động: ghi dấu tay cam kết rửa tay với xà phòng, hướng dẫn thực hành rửa tay với thiết bị rửa tay di dộng, trao tặng dung dịch rửa tay khô, khẩu trang cho người tham dự…

Ban Tổ chức chương trình cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay, các biện pháp dự phòng cá nhân cần được duy trì để ngăn ngừa dịch bệnh.

Trong hai giai đoạn của cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực quản lý và triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như dự thảo mở cửa đường bay quốc tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn nguy cơ xâm nhập. Đặc biệt vào giai đoạn mùa đông và mùa xuân – khi Việt Nam cho mở các chuyến bay thương mại.

Chính vì vậy, các biện pháp dự phòng cá nhân cần được duy trì để ngăn ngừa dịch bệnh. Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp dự phòng Covid-19 có hiệu quả, chi phí thấp. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/dung dịch rửa tay khô… có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

“Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng” (viết tắt là PEPHER) do Bộ phát triển quốc tế Anh (DFID) và các đối tác đồng tài trợ,

Đây là chương trình nhằm mục tiêu  nâng cao kiến thức và áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng; tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân để giảm thiểu ca mắc COVID-19 thông qua việc đẩy mạnh các biện pháp dự phòng và củng cố hệ thống giám sát quốc gia. Dự án dự kiến tiếp cận khoảng 6.5 triệu người, bao gồm các y bác sĩ, dược sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân và người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tới khám chữa bệnh hoặc mua thuốc.

Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) là tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1970, hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, PSI đã sử dụng các kỹ thuật tiếp thị xã hội để cải thiện các hành vi sức khỏe liên quan đến nước và vệ sinh an toàn, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, lao, HIV / AIDS, viêm gan C, sốt rét và sức khỏe sinh sản...

Xà phòng và nước làm giảm số lượng tất cả các loại vi khuẩn trên tay của bạn, vì vậy nên rửa thường xuyên nên giữ tay sạch sẽ.

Nếu không có xà phòng và nước, thì dung dịch rửa tay sát khuẩn có ít nhất 60% cồn là một lựa chọn tốt.

Để đạt hiệu quả, bạn phải sử dụng đủ dung dịch để sát khuẩn toàn bộ tay. Chà xát tay trong khoảng 20 giây và để khô tự nhiên thay vì lau khô.

{keywords}
Rửa tay là biện pháp dự phòng Covid-19, giảm nguy cơ lây truyền bệnh hô hấp

Dưới đây là 5 bước rửa tay đúng cách:

1. Làm ướt tay với nước sạch, tắt vòi và thoa xà phòng. Tránh sử dụng nước đựng trong bồn rửa, nó có thể bị nhiễm khuẩn từ trước.

2. Chà xát hai tay cùng với xà phòng, tạo ma sát, giúp loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ và vi trùng gây bệnh từ da.

3. Chà tay trong ít nhất 20 giây. Nếu không ước lượng được bao lâu là 20 giây, hãy hát bài "Chúc mừng sinh nhật" từ đầu đến cuối 2 lần.

4. Rửa sạch tay dưới vòi nước sạch.

5. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc sấy khô. Vi trùng có thể bị lây lan dễ dàng hơn từ tay ướt.

Rửa tay là một trong những cách tốt nhất để bạn và gia đình tránh bị bệnh.

Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là:

- Trước, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn;

- Trước khi ăn;

- Trước và sau khi chăm sóc người bị bệnh;

- Trước và sau khi điều trị vết cắt hoặc vết thương;

- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh;

- Sau khi thay tã hoặc rửa ráy cho trẻ sử dụng nhà vệ sinh;

- Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi;

- Sau khi chạm vào động vật, thức ăn gia súc hoặc chất thải của động vật; và

- Sau khi chạm vào rác.

Mỹ Lan