Sàn Make in Vietnam

Vừa qua Bộ Công Thương đã phối hợp với TCT Bưu chính Viettel (Viettel Post), Sàn thương mại điện tử Voso để xây dựng nền tảng Voso Global, xuất khẩu thí điểm hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Đức thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng của Việt Nam, do người Việt phát triển và vận hành đã được cộng đồng người Việt bên Đức đón nhận hết sức tích cực.

Trong thời gian tới đây, Voso Global sẽ tiếp tục được hoàn thiện và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từng bước tiếp cận phương thức xuất khẩu mới, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam.

Năm 2019, sàn thương mại điện tử Voso.vn (Vỏ sò) chính thức được ra mắt. Sàn thương mại này là sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”, do Viettel Post tự phát triển.

Viettel Post định hướng phát triển thành nền tảng thương mại điện tử nông sản, giúp kết nối nhà sản xuất và nông dân với các nhà hàng, chuỗi cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng theo mô hình O2O2O (online to offline to online). Viettel Post quyết tâm đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn Vỏ Sò.

Vỏ Sò phát huy lợi thế mạng lưới của Viettel Post để xây dựng mỗi tỉnh có một gian hàng đặc sản của địa phương. Đặc sản địa phương trên Vỏ Sò có cam kết nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các nhà sản xuất có uy tín và được kiểm định chất lượng bởi Bưu chính Viettel.

{keywords}
Sàn thương mại điện tử đưa nông sản Việt lên sàn 

Bưu điện Việt Nam cũng chính thức vận hành sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ra đời từ năm 2019, đến nay sàn Postmart có 1.500 nhà cung cấp và hơn 7.000 sản phẩm. Đặc biệt, các nhà cung cấp và sản phẩm có mặt trên sàn đã phủ khắp 55/63 tỉnh thành trên cả nước.

Tiếp nối chương trình hỗ trợ nông dân Hải Dương đưa nông sản lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, Vietnam Post vừa khởi động chiến dịch hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành đưa sản phẩm đặc sản mùa vụ lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Vietnam Post chọn 3 loại nông sản ở 3 miền Bắc – Trung – Nam gồm vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình và mít Thái của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ nông dân tiêu thụ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho bà con tiếp cận với công nghệ số, làm quen với phương thức bán hàng mới.

Hiệu quả từ việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn

Sàn Postmart hoạt động trên nguyên tắc mua hàng trực tiếp từ các cơ sở sản xuất và cung cấp tới tận tay khách hàng mà không thông qua bất kỳ khâu trung gian nào, nên giá thành khá ưu đãi, chất lượng sản phẩm bảo đảm. Tất cả các sản phẩm bán trên Postmart đều bảo đảm đúng nguồn gốc thương hiệu, hạn dùng dài, không có hàng nhái, hàng quá hạn sử dụng hay hàng hư hỏng.

Từ thực tế triển khai, Sàn Postmart đã và đang tập trung phát huy thế mạnh của mình, cũng như thể hiện đúng vai trò là một sàn TMĐT chuyên biệt về đặc sản vùng miền, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Việc phát triển mạnh các sản phẩm OCOP là mục tiêu dài hạn mà Sàn Postmart đang hướng tới.

Tính đến đầu năm 2021, tổng số lượng các nhà cung cấp tham gia giao dịch trên sàn đã lên tới con số gần 1500 nhà cung cấp, trong đó số lượng nhà cung cấp OCOP chiếm đến 30% trên tổng số, tương đương hơn 10.000 sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn để tiếp cận với khách hàng.

Đặc biệt, với sự truyền thông mạnh mẽ về các sản phẩm OCOP ở từng địa phương, đồng thời bằng sự cố gắng và trách nhiệm của mình, mỗi Bưu điện tỉnh thành phố đã thực hiện và triển khai rất nhiều kế hoạch nhằm phát triển và gia tăng số lượng đồng thời cả “người bán OCOP” và “người dùng OCOP”.

Theo thống kê kết thúc năm 2020, tổng sản lượng các sản phẩm đặc sản nói chung chiếm đến 2/3 sản lượng đơn hàng phát sinh trên sàn Postmart, trong đó có đến 65% là các đơn hàng sản phẩm OCOP.

Còn Vỏ Sò tham gia giải cứu nông sản bằng hệ thống logistics thông minh, giúp bảo đảm được hai yếu tố là giá tốt cho nông dân và chất lượng cho người dùng. Sau khi nông dân đẩy sản phẩm lên sàn Vỏ Sò, Viettel Post gom tất cả đơn hàng, ghép thành 1 tuyến, dùng ô tô vận chuyển theo lô, giao hàng tới tay người dùng. Viettel Post sử dụng tính năng mua chung và Vỏ Sò đứng ra như một nhà cung cấp để phân phối đến người dùng.

Đồng thời, người của Viettel Post đến tận nơi hướng dẫn, đào tạo và đồng hành với bà con nông dân cách bán hàng trên sàn, cùng thực hiện livestream ngay tại vườn, hỗ trợ giải pháp quảng cáo số để thúc đẩy hoạt động bán sớm nhất.

Viettel Post đặt mục tiêu, với những đơn hàng trong phạm vi dưới 100 km, tổng thời gian từ lúc thu hoạch tới khi giao tận tay người tiêu dùng khoảng 4 giờ. Các đơn hàng trong phạm vi xa hơn, Bưu chính Viettel sẽ vận chuyển đến điểm tập kết, sử dụng công nghệ last mile - giao hàng chặng cuối để chuyển đến tay người dùng sau 6 giờ từ khi thu hoạch. Viettel Post cam kết nếu hàng hóa trên sàn được xác minh mà vẫn bị sai về chất lượng, quy cách vận chuyển sẽ đền bù gấp 10 lần.

Có thể thấy, việc đưa nông sản lên sàn là một trong những hướng đi mới cho nông sản Việt. Đây cũng là giải pháp tạo liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, giảm bớt các khâu phân phối trung gian, giúp hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.

Bài và ảnh: Phan Thân