Tổ dân phố Măng Ngọt có hơn 100 hộ thì có khoảng hơn 30 hộ trồng, sản xuất tinh bột sắn dây, nhờ trồng sắn dây mà các hộ có thu nhập ổn định. Ngoài ra, một số các hộ dân ở Tổ dân phố như Đồng Tiến, An Đinh, Tân Tiến, Kỳ Lâm của thị trấn Sơn Dương trồng sắn dây với diện tích và khối lượng sản phẩm còn nhỏ, manh mún, chỉ cung cấp cho nhu cầu của gia đình.

Trước đây gia đình ông Tống Văn Châu chỉ trồng 10 đến 15 gốc sắn dây chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy trồng sắn dây chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn đồi trồng cây ăn quả sang trồng sắn dây. Đến nay, mỗi vụ gia đình ông trồng 120 gốc sắn dây. Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ sản xuất ông lại thuê thêm 2 đến 3 người cùng với các thành viên trong gia đình tinh chế khoảng 8 tạ tinh bột, với giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg mang lại thu nhập cho gia đình từ 50 - 70 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Gia đình anh Hoàng Đức Thủy, trước đây thuộc diện hộ nghèo của tổ dân phố Măng Ngọt. Gần chục năm trước, sau khi cải tạo 1 ha đất đồi để trồng sắn dây, cuộc sống của gia đình khá hơn. Theo anh Thủy, trồng sắn dây chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao.

Để đưa sản phẩm bột sắn dây trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng cấp huyện, UBND huyện Sơn Dương đã xây dựng đề án phát triển sản phẩm bột sắn dây trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 làm cơ sở hỗ trợ, đầu tư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển sản phẩm trong thời gian tới.

Theo Đề án phát triển sản phẩm bột sắn dây trên địa bàn giai đoạn 2020- 2025, huyện Sơn Dương sẽ phát triển diện tích trồng cây sắn dây lên 300 ha, sản lượng bột đạt trên 1.000 tấn, doanh thu đạt trên 160 tỷ đồng, thu nhập từ sản phẩm bột trên 85 tỷ đồng. Để xây dựng sản phẩm bột sắn dây có thương hiệu trên thị trường, huyện tiến hành điều tra, đánh giá, khảo sát về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiềm năng chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm được chế biến từ bột sắn dây; thực hiện điều tra, thống kê chính xác diện tích cây sắn dây đã được trồng trên địa bàn; hỗ trợ kiểm định sâu về chất lượng sản phẩm, đưa sản phẩm bột sắn dây phát triển theo chương trình OCOP. Huyện hỗ trợ, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, tổ chức kinh tế thành lập mới, củng cố, sắp xếp nâng cao năng lực tổ chức bộ máy hoạt động; cơ cấu, tổ chức lại sản xuất từ chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm, đảm bảo nâng cao năng suất củ, chất lượng sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Anh Hoàng Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Sơn Dương cho biết, để sản phẩm có đầu ra ổn định, chính quyền xã đã tạo điều kiện cho hộ trồng sắn dây thành lập Hợp tác xã Chế biến tinh bột sắn dây Thục Sơn, thị trấn Sơn Dương.

Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây Thị trấn Sơn Dương được thành lập có 8 thành viên. Huyện Sơn Dương đã hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn mác, logo, kiểm định, đăng ký chất lượng sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để sản phẩm bột sắn dây Thục Sơn trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện và đã được huyện đăng ký là sản phẩm chủ lực.

Với diện tích gần 5 ha sắn dây, năng xuất từ 30 - 50 kg củ/gốc. Năm ngoái, hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây Thị trấn Sơn Dương đã chế biến 50 tấn củ để được 5 tấn bột khô thành phẩm. Đến nay một số hộ dân trong thôn đã đăng ký trồng và bán củ sắn dây cho hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây Thị trấn Sơn Dương mỗi hộ từ 2 -3 ha.

Dự kiến năm nay, hợp tác xã sẽ chế biến đạt 15 tấn bột sắn dây khô. hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây Thị trấn Sơn Dương đang áp dụng đồng bộ thiết bị máy móc với quy trình khép kín vào sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm. Để phát triển và giữ vững thương hiệu, các hộ dân trồng sắn dây đã cải tiến phương pháp trồng, quy trình chế biến để đưa sản phẩm có chất lượng ra thị trường. Người dân sử dụng máy xúc trong khâu trồng, thu hoạch; máy nghiền, vắt, ngoắng trong khâu sơ chế; máy sấy làm khô bột, máy hút chân không để đóng gói sản phẩm.

Bảo Phùng
Ảnh: Thanh Tùng