Không biết nơi khác thì thế nào, chứ những nơi tôi đến, tôi ở, tôi biết thì nhiều lúc người dân lo sợ khi công an đến nhà.

Mà lạ thật, các đồng chí ấy như con, như cháu, như anh, như em, đại thể là người một nhà, sao lại sợ cơ chứ? Tôi băn khoăn mãi, bèn đưa ra hội thảo vào sáng tập thể dục tại công viên hồ Đền Lừ, cách Hồ Gươm, giữa lòng thủ đô Hà Nội 6 cây số. Ông Tổ trưởng dân phố “thất thập cổ lai hy”, người gầy, nhưng đi nhanh, nói khỏe:

- Này, thâm niên trong hàng tổ trưởng dân phố nên tôi xin nói ngay: khi công an đến nhà thì nhẹ là nhắc nhở, nặng là điều tra, nói chung là có chuyện.

- Đúng đấy. Ai đó làm điều gì sai mới sợ, chứ như tôi đây này, nghỉ hưu, không nợ tiền, không nợ tình, không nợ ghế, cả lời hứa suông cũng không nợ, thì sợ gì nào. Công an, chính quyền đến cũng cứ kê cao gối mà ngủ ngon.

{keywords}

Công an giao thông tham gia khắc phục sự cố trên đường Ảnh minh họa: Huy Phương/ VOV

Một sự thật hiển nhiên, tồn tại bao lâu là phần đông, người dân ít biết, không hiểu về luật pháp. Nhiều người phạm luật, vi phạm quy tắc công cộng mà không biết. Vậy nên khi công an, cán bộ chính quyền đến nhà, có thể là làm dân vận, hay thăm hỏi thân thiện mà cứ ngỡ là mình, hay con cháu đã làm gì đó sai trái. Tôi còn nhớ, lâu rồi có cháu trai lên mười nhặt được bọc tiền rơi, thật thà trả lại công an. Nhưng khi công an viên đến nhà để biểu dương thì ông bố hốt hoảng lôi con ra tra hỏi ngay:

- Mày đánh nhau, ăn cắp hả?

- Không ạ.

- Thế, tại sao công an lại đến nhà, vào giờ tối thế này.

Khi đồng chí công an khu vực nói rõ sự việc ông bố mới rót nước mời khách, giọng ân hận.

- Thật hú vía. Thế mà tôi cứ tưởng…

Công dân không biết, không nắm được luật, không trang bị cho mình vốn hiểu biết nhất định luật cơ bản, những quy tắc thông thường trong đời sống xã hội, trở nên bị động trong mọi tình huống. Tôi còn nhớ cuối năm 1976, tại đường Trần Hưng Đạo (Quận Nhất) thành phố Hồ Chí Minh, một thành viên trong đoàn Cải tạo tư bản tư doanh đến một gia đình có của tuyên bố tịch thu máy giặt, quạt trần, đàn guitar. Chủ nhà bình tĩnh mời nước rồi thư thả:

- Thưa quý vị “cải tạo”, những thứ này là tư liệu tiêu dùng nên không nằm trong danh mục tịch thu. Xin quý anh thông cảm, hen.

Các thành viên trong đoàn lôi văn bản ra đọc đi đọc lại, rồi trưởng đoàn thủng thẳng:

- Biết vậy. Lần sau quay lại.

Công dân biết luật nên tự tin, cán bộ thực thi quên luật nên hung hăng bằng quyền hành, để rồi phải lặng lẽ rút lui khi đã đọc lại luật. Câu chuyện cách đây 40 năm, nhưng đến nay vẫn còn lỗ hổng “mù luật” và “đói luật”. Một thực trạng phổ biến, gây hệ lụy từ nhận thức đến ứng xử và hành động.

Một thực tế nữa là luật lệ ở nước ta thay đổi quá nhanh. Đến mức luật chưa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung. Luật đã ban hành, nhưng chưa có nghị định, chưa có thông tư hướng dẫn liên tịch thì  vẫn chưa có hiệu lực. Mặc dù cuối Luật ghi rõ: “Có hiệu lực thi hành từ ngày ký”, nhưng một năm đến hai năm, dân xã vẫn chưa thi hành vì chưa có hướng dẫn, chỉ thị của Chủ tịch xã. Con đường Luật đi từ Văn phòng Quốc Hội đến ủy viên thư ký xã sao mà xa vời vợi, quá nhiều tầng nấc. Từ lâu tôi đã dày công  tích lũy, mua sách về luật pháp Việt Nam, nhất là Luật Đất đai, Dân sự, Hình sự, An toàn giao thông, Báo chí…nhưng thi hành khó quá (nói đúng nghĩa). Luật thay đổi như chong chóng thì mua bao nhiêu sách cho đủ, đọc sao hết. Nhiều điều khoản của Luật quá chung chung (như Nghị quyết) nên phải chờ Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các ngành, chỉ thị của chính quyền địa phương cụ thể hóa dân mới thực thi. Theo quan sát của tôi thì rất ít gia đình Việt Nam có sách luật trong nhà.

Nhớ lại. Giữa tháng 5, năm 2002, đoàn nhà báo Đài TNVN thăm, làm việc tại Mỹ. Chúng tôi đến thăm chị Xaly ở phố S, trung tâm Washington DC, một người bạn từng đến Việt Nam, yêu Việt Nam. Gian bếp, phòng ăn gia đình Xaly hơn chục mét vuông, nhưng vẫn dành vị trí thuận lợi kê một giá sách. Sách về ẩm thực Âu, Mỹ và Việt Nam. Một vài tiểu thuyết đang đọc dở. Phần lớn giá sách dành cho Luật pháp Liên bang và Bang. Trên nóc là chiếc ra đi ô đã cũ, nhưng vẫn nghe tốt. Xaly bảo ở phòng ăn nghe radio dễ chịu hơn xem ti vi. Chủ nhà thường nghe đài tư vấn về luật pháp và coi sách Luật là từ điển không thể thiếu trong đời sống thượng tôn pháp luật.

Năm 1997, tôi cùng chị Thanh Nam dự hội thảo tại Manila, thủ đô Philippin. Trên đường thả bộ về khách sạn, chúng tôi gặp bà gánh bánh nếp đi bán. Thanh Nam hỏi chuyện làm quen, bà chỉ nhà ở ngay bên kia đường. Thanh Nam tư vấn theo kiểu Hà Nội:

- Bà đi tắt qua đường cho nhanh.

Bà bán bánh ngẩn người, mắt tròn xoe:

- Nhanh thật đấy, nhưng bị phạt nặng lắm. Tôi bán bánh cả năm cũng không bù được đâu.

Không biết tiền phạt là bao nhiêu, đến mức nào, nhưng nhìn ánh mắt, giọng nói của bà thì tôi tin là nặng lắm, trĩu hơn gánh bánh cả năm mà người nghèo không dám vượt mặt luật lệ.

Thanh Nam tư vấn tiếp:

- Mình nghèo khó mới đi bán dạo. Xin với nhà chức trách một câu, người ta thông cảm tha cho.

Bà già xua tay lia lịa, như đuổi một vật gì đó lạ lẫm:

- Luật là luật. Lớn lắm. Không xin được đâu. Chấp tay xin là mình nhỏ đi đấy.

Thanh Nam nhìn tôi, mắt vốn to lại mở to hơn theo chất giọng Nam Định véo vắt:

- Anh thấy chưa?

Ý của Thanh Nam là muốn so sánh với Hà Nội, hay Nam Định. Nói chung là xứ ta chưa ngấm luật pháp. Không biết luật lệ nên tự tung tự tác. Biết luật, nhưng thiếu kiểm tra, kiểm soát, chế tài không nghiêm nên nhờn luật. U…u…mê…mê như vậy nên đây đó cứ thấy cảnh sát đến nhà là lo sợ. Nỗi sợ có cớ mà như vô cớ./.

Vĩnh Trà/ theo VOV