Hiện nay, các bộ, ngành đang rốt ráo triển khai các Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất và xuất khẩu thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và các hoạt động xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

Song, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức XTTM, hoạt động XTTM đã chuyển đổi mạnh mẽ, giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu đạt được trong năm 2021. 

{keywords}
Thay bằng hình thức xúc tiến trực tiếp, các doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu bằng hình thức trực tuyến để phù hợp hơn khi trở lại "bình thường mới" - Ảnh: Phạm Thanh.

Đặc biệt, hoạt động XTTM đã có sự đổi mới mạnh mẽ về phương thức. Trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của dịch bệnh, Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ XTTM, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, phương thức XTTM mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. 

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết, Bộ Công thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện XTTM trực tuyến.

Hoạt động XTTM đã chuyển đổi mạnh mẽ, thích ứng với điều kiện mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối, khai thác thị trường xuất khẩu, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, ông cho hay.

XTTM trên môi trường số đã trở thành giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là một phương thức trong thời gian tới phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế.

Kết quả của hoạt động XTTM trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong hai năm qua, ông Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định, năm 2022 nhu cầu thực phẩm và thuỷ sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn du lịch hồi phục.

Để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022, ông đề xuất, Bộ Công thương tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn. Đồng thời, tăng cường các hoạt động trực tuyến B2B, tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nga, Úc, Mexico… Tăng cường quảng bá cung cấp thông tin về ngành trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Nếu có một cổng thông tin quốc gia để quảng bá những ngành xuất khẩu mũi nhọn chính là công cụ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển hậu Covid-19. Hiệp hội sẽ đóng vai trò chính trong xây dựng dữ liệu cũng như kết nối nhà cung cấp thông qua nền tảng cổng thông tin hiện có của hiệp hội sẽ đẩy mạnh và tạo sức mạnh cho việc quảng bá của ngành hiệu quả hơn, ông Nam hiến kế.

Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của thành phố, Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cũngđề xuất Bộ Công thương kịp thời tháo gỡ khó khăn về những vướng mắc liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu và chính sách phát triển hạ tầng logistics để thành phố triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại. 

Tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường truyền thống và tiềm năng. Tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về chủ trương chính sách và cập nhật thường xuyên về tình hình thị trường quốc tế để có các biện pháp thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh mới khi dịch Cocid-19 còn diễn biến phức tạp.

Đoàn Bổng