Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều cô gái người dân tộc thiểu số bị lừa bán sang bên kia biên giới.

Điểm nhận diện tội phạm buôn người ở vùng cao Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng là cho đến khi bị bắt, chúng đã từng nhiều lần phạm tội. Tội phạm hoạt động có sự cấu kết, chỉ đạo của đầu nậu bên kia biên giới, thường là chủ các động mại dâm. Thậm chí, có đối tượng được đầu nậu ứng trước tiền để quay về nước tìm nguồn “hàng” đưa sang. 

Do thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm và sự thiếu hiểu biết cùng sự nhẹ dạ cả tin của các cô gái mà ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân.

{keywords}
Công an tỉnh Sơn La bắt giữ một đối tượng trong đường dây mua bán người. 

Hoạt động của tội phạm buôn người có một số chiêu trò không mới nhưng số nạn nhân vẫn tiếp tục bị sập bẫy. Thủ đoạn phổ biến là lừa đi xin việc làm, đi bán hàng, rủ lên biên giới chơi, đặt vấn đề yêu đương, giả danh người nước ngoài. Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng tục “bắt vợ” của người Mông để lừa bán các cô gái.

Trước diễn biến phức tạp của vấn nạn này, cơ quan chức năng tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống mua bán người, gắn công tác phòng ngừa với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân. Nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài trên địa bàn tỉnh Sơn La đã bị lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá.

Lực lượng Công an tỉnh đã tập trung thành lập các tổ công tác, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình địa bàn, di biến động của các đối tượng. Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để bà con nhân dân nắm được các thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời thông tin cho lực lượng chức năng.

Xã Chiềng Công là địa bàn vùng sâu của huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Xã có 17 bản, 1.022 hộ và trên 5.600 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp và tự cung tự cấp. Trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, nhất là hiểu biết về pháp luật còn kém. Thời gian qua, các đối tượng xấu lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của chị em phụ nữ trong bản để rủ rê, lôi kéo chị em lừa bán sang Trung Quốc.

UBND xã đã ban hành rất nhiều kế hoạch tuyên truyền đến tất cả các bản trên địa bàn xã, lồng ghép với các hội nghị xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư cũng như các kế hoạch hàng năm. Bên cạnh đó, hàng tháng có giao ban các ban ngành đoàn thể tổ chức triển khai lồng ghép để đảm bảo tuyên truyền đến tất cả bà con nhân dân trên địa bàn xã nắm được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng.

Chị V.T.D ở xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La là một trong những nạn nhân của tội phạm mua bán người. Năm 16 tuổi, chị bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ. Sau khi lấy chồng và sinh con được khoảng 2 năm thì chị được chính quyền phát hiện và trao trả về Việt Nam.

Theo lời chị, ban đầu các đối tượng gọi điện trao đổi công việc thường ngày rồi hỏi thăm về tình hình sức khoẻ, sau đó rủ chị đi chơi, đi tham quan du lịch. Các đối tượng không chỉ gọi cho mình chị mà còn nhiều người phụ nữ khác trong bản nên chị đồng ý và được các đối tượng cho xe đến đón ở gần nhà. Đến khi đi qua một con sông đến địa phận Trung Quốc, chị mới phát hiện mình bị lừa bán. 

Tại huyện Mường La, Công an huyện đã đưa ra các giải pháp để đấu tranh với tội phạm mua bán người là chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, thông qua hệ thống truyền thanh, loa lưu động… tại các tổ bản, dân phố, các trường học, những nơi mà các đối tượng có điều kiện thực hiện hành vi mua bán người.

Tập trung lực lượng làm tốt công tác nghiệp vụ điều tra cơ bản để phòng ngừa, không để các đối tượng lợi dụng lòng tin của bà con nhân dân thực hiện các hành vi phạm tội. Lập trang mạng xã hội chủ động nắm thông tin từ các đối tượng, tuyên truyền thông tin cho người dân để không trở thành nạn nhân của tệ nạn buôn bán người.

Đức Yên