Vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang từ lâu nổi tiếng với những rừng thốt nốt bạt ngàn. Loài cây cho nước, trái ngọt cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình vào những tháng mùa khô mà thời điểm không thể canh tác hoa màu và lúa được. Bình quân cây thốt nốt trồng từ 12 - 15 năm mới cho trái và nước đường. Vào  tháng 2 - 3 cây thốt nốt bắt đầu cho nước nhiều nhất trong năm. Thời điểm đó người trèo cây lấy khoảng 60 - 80 lít đường/ngày.

Từ sáng sớm, người làm nghề trèo lên ngọn cây thốt nốt cao chót vót để lấy nước về nấu đường. Nếu như trước đây, dụng cụ để lấy nước đường thốt nốt phần lớn làm bằng ống tre gai thì ngày nay được thay thế bằng các loại bình nhựa.

{keywords}
Sống ổn nhờ nghề “lấy mật” thốt nốt. 

Anh Nguyễn Đăng Khoa, ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên có hơn 12 năm trong nghề trèo cây hái trái thốt nốt và lấy nước nấu đường cho biết: Nhiều năm nay sống bằng nghề thuê cây thốt nốt của người dân tộc để lấy nước và hái trái. Bình quân 1 cây thuê trả cho chủ là 50.000 – 70.000 đồng/cây/năm (tùy theo cây cho trái và nước nhiều hay ít).

Theo anh Khoa hiên nay mới đầu mùa lấy nước thốt nốt. Một ngày anh trèo khoảng 30 - 40 cây để lấy từ 40-50 lít nước thốt nốt để mang về nấu đường.

Theo anh Nguyễn Văn Phụng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, người có 20 năm kinh nghiệp “lấy mật”, thốt nốt có thể cho nước quanh năm nhưng phẩm chất tốt nhất là vào mùa nắng, khi cái nóng râm ran thiêu đốt đất trời. Nhờ sự “gan lì” sẵn có đã giúp thốt nốt có thể trụ vững và kết tinh những dòng nước ngon ngọt cho đời.

“Nghề leo thốt nốt vất vả lắm, người không quen không làm nổi. Mỗi ngày tôi phải leo đến 70 cây thốt nốt nên phải thức dậy từ khi gà chưa gáy sáng và trở về nhà khi đã tối mịt. Biết là cực nhọc nhưng do cuộc sống khó khăn nên tôi không ngại khó, ngại khổ. Nhờ đồng vô cũng đỡ nên gia đình tôi sống với cây thốt nốt từ trước tới giờ. Nó đã không phụ mình nên mình phải cố gắng để trang trải cuộc sống!”, anh Phụng chia sẻ.

Cũng theo nghề này, anh Trần Văn Tâm, xã An Phú, Tịnh Biên hàng ngày, sau khi lấy nước của khoảng 60 cây thốt nốt bán lại cho những người kinh doanh nước giải khát với giá 5.000 đồng/lít, số còn lại nấu đường.

Số đường nấu được gia đình anh đem cân lại cho các mối thu mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg, tính ra cũng được 600.000 - 700.000 đồng/ngày trong những tháng cao điểm mùa khô. Bởi leo thốt nốt là “lấy công làm lời” nên anh Tâm không quản ngại cực khổ, chỉ mong cải thiện được nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình.

Vào những những ngày đầu mùa khô, đi khắp vùng Bảy Núi nơi nào cũng thấy các lò nấu đường thốt nốt đỏ lửa. Đi trên các con đường ở các phum, sóc của xã An Lợi, Châu Lăng, Văn Giáo, An Cư… dễ dàng ngửi được hương thơm ngào ngạt của đường thốt nốt.

Nhờ nghề nấu đường thốt nốt mà gia đình anh Chau Sóc Dên (xã Châu Lăng) có cuộc sống ổn định. Anh phấn khởi nói: “Từ khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật khai thác và chế biến, đường do gia đình nấu có giá bán cao hơn. Hiện mỗi ngày gia đình cung cấp từ 25 - 30kg đường, với giá bán 35.000 đồng/kg. Trước đây có 10 nhà leo thốt nốt nay chỉ còn lại 2 - 3 nhà trong ấp, họ đã bỏ nghề vì ngại nguy hiểm hoặc đã kiếm nghề ổn định hơn”.

Theo thống kê của các ngành chức năng, thốt nốt tập trung ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với số lượng trên 60.000 cây, mỗi năm thu hoạch khoảng 6.000 tấn đường. Sản lượng đường hàng năm tăng khoảng 10% do tuổi thọ cây càng cao lượng đường nấu được càng nhiều.

Th. Hân
Ảnh: Kiên Trung