Thách thức lớn cho ngành năng lượng Việt Nam

Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện trong thời gian tới sẽ giảm nhiều so với trước đây, nhưng nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống vẫn rất cao.

{keywords}
Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển. Dự báo, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc giai đoạn 2021 – 2025 là 8,5%/năm, giai đoạn 2026 – 2030 là 7,5%/năm.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì nhu cầu năng lượng đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và đến năm 2035 là 506 tỷ kWh. Để đáp ứng nhu cầu điện cao như vậy cần khoảng 130.000 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam.

Bên cạnh các giải pháp đảm bảo cung ứng nguồn điện, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng

Nhận thức được vai trò của giải pháp này, trong những năm qua, Chính phủ đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan cũng như triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP) được triển khai trong giai đoạn 2006 – 2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP 3).

Triển khai Chương trình, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025, 63 tỉnh, thành trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó có nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn.

Bộ cũng đã hoàn thiện Khung kế hoạch 5 năm bám sát 9 hợp phần của chương trình với đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể. Các hoạt động tập trung vào: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý; hỗ trợ kỹ thuật tài chính thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam; tăng cường năng lực; đẩy mạnh truyền thông, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học.

Để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp tại địa phương vì đây là yếu tố mang tính quyết định. Bộ Công Thương từ rất sớm, đã đưa ra các hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị định 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện 2020 – 2025.

Việc phát thải khí cacbon trong khu vực đô thị lớn cũng đang có những chuyển biến nhất định, cụ thể là tháng 3 năm 2021 chính phủ đã công bố Nghị định 15 về việc cần có những giải pháp tiết kiệm năng lượng khi thiết kế công trình xây dựng, qua đó có thể giảm được một lượng khí phát thải để đảm bảo cam kết với quốc tế.

Tuy nhiên thực tế, những vấn đề về kỹ thuật công nghệ còn nhiều khó khăn và ở bước đầu triển khai, để tối ưu hóa công nghệ ở Việt Nam trong thời gian sắp tới, cần phải ưu tiên nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ trên các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp và giao thông vận tải, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận các công nghệ mới nhất về lĩnh vực năng lượng.

Thông qua đó, việc áp dụng kỹ thuật công nghệ tối ưu sẽ được đẩy nhanh, mạnh và hiệu quả

Lê Thúy