Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước, cụ thể như: Quyết định 229 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; Nghị định 116 năm 2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; Nghị định 17 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

{keywords}
Tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô

Các chính sách trên được ban hành với các mục tiêu chủ yếu sau:

Một là phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam, chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước, với lộ trình phát triển phù hợp với sự phát triển của hệ thống hạ tầng; tạo công ăn việc làm cho người lao động, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Hai là tăng dần tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với xe ô tô sản xuất tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba là đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thuộc mọi thành phần kinh tế. Tiến tới tạo ra thương hiệu ô tô của Việt Nam.

Bốn là đảm bảo yêu cầu về an toàn của người sử dụng và người tham gia giao thông; bảo vệ môi trường.

Nhờ các chính sách mới trong thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô trong nước đã có những cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất:

Nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực.

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp ô tô mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Và cuối cùng là giá bán xe ô tô trong nước vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân lớn nhất là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia; chính sách thu hút các nguồn vốn FDI trước đây vào phát triển công nghiệp ô tô không có các cơ chế ràng buộc chặt chẽ để các hãng ô tô nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển khiến các doanh nghiệp khó có thể tăng cường tỷ lệ nội địa hoá để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực.

Trong câu chuyện tạo dung lượng thị trường và kích cầu tiêu dùng cho ngành ô tô, vấn đề hàng đầu là bảo vệ thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế; triển khai phương án quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên cả nước, khuyến khích giao thương hàng hóa giữa các vùng miền nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu dùng ô tô.

Đối với vấn đề hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa của ô tô sản xuất trong nước.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô thông qua các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa đủ sức tham gia chuỗi cung ứng ngành ô tô, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Văn Lệ, Hồng Khanh