Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành gây tổn thất lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành chăn nuôi. Tại tỉnh Tây Ninh, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 1 hộ thuộc địa bàn xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên. Số gà chết và tiêu huỷ 35 con, trọng lượng tiêu huỷ là 53kg.

{keywords}
Tây Ninh ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch cúm gia cầm.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngày 22/10, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Công văn số 3695/UBND-KT về việc tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia cầm. Báo cáo dịch bệnh trực tuyến qua hệ thống VAHIS. Áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh động vật, đánh giá các cơ sở an toàn dịch bệnh... nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, trong trường hợp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y không thể đến cơ sở để tổ chức thực hiện.

Tăng cường công tác thú y tại tuyến huyện, xã. Chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vắc xin không bảo đảm chất lượng.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi năm 2022. Cung ứng hoá chất bằng nguồn ngân sách phòng, chống dịch bệnh để xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch bệnh gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao. Có biện pháp ngăn chặn các loài véc tơ truyền bệnh xâm nhập vào chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt các loài véc tơ truyền bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh, bảo đảm trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm vắc-xin phòng bệnh. 

Vĩnh Sang