Luôn đồng hành cùng đất nước

Trong lịch sử tồn tại của mình, báo chí luôn đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong chiến tranh, báo chí đã làm được nhiệm vụ cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và yêu tự do của người Việt Nam bằng những tấm gương rất cụ thể của những người đã dấn thân vào cuộc đấu tranh đó bằng nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Báo chí đã góp phần làm rõ sự thật liên quan đến việc bảo vệ đất nước trong thời bình. Đó là bảo vệ chủ quyền bằng pháp luật, tại các diễn đàn quốc tế, bằng tuyên truyền giáo dục, bằng các cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lược lãnh thổ… làm cho nhân dân hiểu rõ hơn về chủ quyền của chúng ta ở những vùng đất, vùng biển, đảo đã được khẳng định bởi pháp luật quốc tế và chúng ta đã làm gì để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Không chỉ vậy, báo chí cũng đã góp phần rõ rệt vào việc đổi mới cơ chế quản lý để công cuộc phát triển kinh tế và công tác xây dựng Đảng có hiệu quả hơn trong điều kiện mới.

Sự dấn thân của báo chí có lúc mạnh mẽ, đồng loạt, có lúc đơn lẻ, ít mạnh mẽ hơn, tuy nhiên báo chí không bao giờ bó tay, bất lực, trái lại luôn tìm mọi cách đứng về phía đổi mới một cách tích cực.

Báo chí cũng có vai trò rất quan trọng trong việc chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả những tiêu cực trong lĩnh vực báo chí, xem đó như một góp phần tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển tốt đẹp của đất nước.

Là tấm gương phản chiếu cuộc sống và góp phần định hướng tình cảm, nhận thức đúng đắn của công chúng, báo chí tất nhiên phải nói về chính nghĩa, phải đứng về chính nghĩa. Dòng chảy chính của xã hội mà báo chí có trách nhiệm và nghĩa vụ cổ vũ đó là sự trung thực, sự tử tế, sự chính trực, thái độ tích cực góp phần đổi mới đất nước từ tư duy đến hành động.

{keywords}
Báo chí luôn đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

Tích cực góp phần khôi phục niềm tin của xã hội

Mang một sứ mệnh lớn lao như vậy nhưng báo chí cũng đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất của báo chí hiện nay, hay nói đúng hơn là mọi lúc, theo tôi là thực hiện sứ mệnh làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nếu không làm rõ sự thật và góp phần bảo vệ sự thật thì báo chí khó có thể nói đã làm được sứ mệnh của mình.

Chỉ khi nào báo chí khách quan, trung thực thì mới có thể góp phần khơi dậy niềm tin cho xã hội, cho từng con người trong xã hội để họ biết là họ đang sống như thế nào, cần và phải đấu tranh, bảo vệ cho cái gì.

Để làm được điều đó phải rất công phu, đòi hỏi nhiều công sức, không chỉ mồ hôi nước mắt mà đôi khi phải đổi cả thứ cao hơn thế nữa.

Sự thật đâu dễ làm rõ, phải dùng tất cả các thể loại điều tra, phóng sự, ghi chép, ký sự, tin… để thể hiện được tinh thần báo chí đang đứng về phía nào trong mọi cuộc đấu tranh, báo chí đang đối diện với thách thức gì trong các cuộc đấu tranh đó.

Để nói một sự thật, bảo vệ sự thật, cho dù chỉ là một sự tranh chấp kinh tế giữa hai doanh nghiệp, hai địa phương… thì nó cũng  đòi hỏi sự công tâm, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và phải chứng minh được.

Sự thật chỉ có một, nếu nhà báo không đủ kinh nghiệm, kiến thức, dũng khí và tâm không sáng thì có thể làm sự thật bị lu mờ, che khuất.

Tôi thường nghĩ và nói với chính mình, rằng báo chí vẫn còn trên đầu mình cái "vòng kim cô", nếu báo chí không tự hiểu và không được hiểu đúng về vai trò, sứ mệnh của mình thì báo chí rất dễ bị biến thành một công cụ, thay vì một nghề nghiệp đặc biệt, và sẽ trở nên vô dụng đối với sự phát triển bền vững trong giai đoạn nào đó.

Xã hội rất cần có niềm tin, người ta có thể ăn khổ, ở chật, có thể đói rét nhưng người ta phải có niềm tin vào sự tốt đẹp của xã hội, sự chính trực của con người để tiếp tục sống. Niềm tin đó rất quan trọng, việc cổ vũ một tấm gương tốt, việc làm tốt cũng có giá trị như đưa được ra ánh sáng một vụ tham nhũng, một âm mưu đen tối phá hoại cuộc sống an lành của người dân và cản trở sự tiến bộ.

Sứ mệnh lớn nhất của báo chí hiện nay theo tôi là phải tích cực góp phần khôi phục niềm tin của xã hội. Từ những việc lớn đến việc nhỏ, từ vụ việc ở cấp T.Ư đến địa phương, chứng minh cho mọi người thấy cái gì là sai và sai thì phải bị trừng trị. Cái gì làm tổn hại đến tài sản của nhân dân, uy tín của chính quyền, của đất nước thì phải phân định rõ ràng, công ra công, tội ra tội.

Báo chí phải được làm nhiệm vụ bằng nghề nghiệp của mình, được nói những gì đã tiếp cận để chứng minh cho sự thật, lẽ phải. Báo chí có nghiệp vụ của họ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì họ làm, chỉ trừ những người làm báo đi “ăn tiền nói bậy” hoặc chịu khuất phục trước sức mạnh của thế lực nào đó.

Xây dựng tờ báo chính trực, làm đúng sứ mệnh

Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức nào cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình, cơ hội để tái sinh báo chí.

Hiện nay báo chí nói chung rất khó khăn, chật vật để duy trì sự tồn tại và từng bước phát triển, cả về khía cạnh kinh tế lẫn khía cạnh tác nghiệp tiếp cận sự thật. Có những vụ việc cơ quan điều tra công bố tới đâu thì mình biết tới đó, cái mình có thể chứng minh được thì rất cực nhọc và nhiều rủi ro.

Nhưng đấy lại là cơ hội để báo chí phải học nhiều hơn về kinh nghiệm, kỹ năng, đọc nhiều hơn, xem, nghe nhiều hơn và đối chiếu nhiều hơn. Đây chính là cơ hội để đổi mới mình. Có sự trưởng thành nào, thành công đích thực nào mà dễ dàng đâu!

Nếu bản thân mỗi người không có sự đổi mới thì tất nhiên sẽ bị đứng lại. Huống hồ báo chí mang lãnh sứ mạng phản ánh cuộc sống thì càng phải đổi mới không ngừng để đáp ứng được nhu cầu thông tin của công chúng. Cùng một sự việc đang diễn ra nhưng vì sao có nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước viết đọc hay vậy mà chúng ta lại làm kém hơn?

Nếu có nhà báo nào do tự mãn mà dừng nỗ lực phấn đấu nghề nghiệp, xoay chuyển ngòi bút của mình theo hướng khác và lúc nào cũng trước hết mong muốn mình phải sống giàu bằng nghề báo thì có lẽ lúc đó sứ mạng của báo chí đang bị thử thách, vai trò của báo chí đang bị giảm sút.

Để báo chí làm được sứ mệnh của mình thì phải có người làm báo giỏi. Không phải toàn bộ các tờ báo đều có được rất nhiều người làm báo giỏi, nhưng người quản lý thì phải biết tăng tỷ lệ người làm báo giỏi lên, chứ anh không thể nào yên tâm khi tờ báo của mình tỷ lệ người làm báo kém nhiều, mà có thể mong trở thành tờ báo tốt.

Phải có những nhà báo giỏi kiến thức chung, chuyên sâu về lĩnh vực nào đó và có khả năng thể hiện nhiều thể loại báo chí khác nhau.

Để tập hợp nhiều cây bút giỏi, nhiều người làm báo giỏi làm trong toà soạn của mình không có cách gì tốt hơn là xây dựng một tờ báo chính trực, làm đúng sứ mệnh của mình. Sao cho mỗi người cầm bút cảm thấy được làm việc trong môi trường làm nghề trong sáng, công tâm, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để được thể hiện tính chiến đấu của mình, sản phẩm chiến đấu của mình vì sự thật, vì lẽ phải.

Còn nếu như người làm báo được nhận mức lương rất cao, điều đó không tồi, nhưng tờ báo họ đang làm việc chưa bao giờ được đánh giá là tờ báo tốt trong làng báo thì có lẽ đó cũng đáng buồn đấy.

Tất nhiên, để nhà báo sống tuy chưa giàu có nhưng sống được bằng lương của mình, bằng nhuận bút, không bị giằng xé bởi mối lo cơm áo gạo tiền, thì đó là trách nhiệm của cơ quan báo chí và người lãnh đạo báo chí.

Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM

Quỳnh Ngọc (ghi)