Đối với nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng của Việt Nam, thì hệ thống thống kê kinh tế - xã hội ngày càng trở nên quan trọng, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và xã hội ngày càng lớn, nhu cầu sử dụng thông tin thống kê ngày càng nhiều cả về phạm vi và chất lượng.

Xác định mục tiêu chung là “nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật về thống kê, kiến thức thống kê của các đối tượng khác nhau trong xã hội. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chấp hành pháp luật của công chức, viên chức và người lao động trong ngành Thống kê; chấp hành pháp luật thống kê của các đối tượng cung cấp, sử dụng thông tin thống kê nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng thông tin thống kê góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực thống kê, đồng thời làm tăng thêm niềm tin của người sử dụng vào thông tin thống kê.”

{keywords}
Phòng Công nghiệp, Cục Thống kê Thái Bình thực hiện báo cáo nhanh tháng.

Cục Thống kê Thái Bình nhận thức được rằng, đối với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin thống kê, thì vừa là người tham gia tuyên truyền, phổ biến, nhưng công tác tuyên truyền, phổ biến sẽ nâng cao trình độ cho công chức và người lao động của ngành, góp phần xây dựng được vị thế và thương hiệu, nâng cao sự tin cậy của xã hội đối với Ngành. Với phương châm tổng quát là Đúng –Đủ- Thuận tiện cho cả đối tượng cung cấp thông tin và người sử dụng thông tin .
Do vậy, Ban Lãnh đạo cục quán triệt đến toàn ngành tập trung vào 2 vấn đề lớn sau:

Tuyên truyền, giáo dục pháp luật thống kê trước hết là công chức, người lao động ngành Thống kê, tiếp đó là các đối tượng cung cấp thông tin và người sử dụng thông tin thống kê. Nội dung tuyên truyền, phổ biến chủ yếu là: Luật Thống kê 2015 và các văn bản liên quan; hoạt động thống kê; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng cung cấp và sử dụng thông tin thống kê; các đề án lớn của Ngành như Quyết định số 715/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quyết định số 643/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030, thực hiện điều chỉnh quy mô GDP và GRDP giai đoạn 2015-2017,...; các cuộc điều tra, Tổng điều tra thống kê.

Phổ biến thông tin thống kê đến các đối tượng sử dụng thông tin thống kê nhất là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp, các đồng chí chuyên viên phụ trách công tác tổng hợp, tham mưu ở tỉnh, huyện, xã. Bảo đảm tính công khai, minh bạch và nguyên tắc độc lập tương đối về nghiệp vụ, tập trung các chỉ tiêu quan trọng như GRDP, dân số, thu nhập bình quân đầu người, CPI ...

Từ chủ trương, sau thời gian thực hiện đã có một số kết quả chủ yếu sau:

Thứ nhất, Đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản pháp luật về thống kê như Chỉ thị số 26/CT-UBND về tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Luật Thống kê và các Nghị định có liên quan, chỉ thị về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Quyết định số 2820/QĐ-UBND về việc ban hành biểu mẫu thu thập Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh. Giao cục Thống kê làm đầu mối tổng hợp từ báo cáo của các Sở Ban Ngành chịu trách nhiệm thu thập,tổng hợp các chỉ tiêu,đã phát hành cuốn “Một số thuật ngữ và biểu mẫu thu thập các chỉ tiêu thống kê tỉnh Thái Bình” để làm cẩm nang cho các Sở, Ban , Ngành huyện, thành phố.

Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật thống kê đối với đối tượng của luật thống kê được nâng cao, đặc biệt là đối tượng cung cấp và sử dụng thông tin thống kê, đẩy mạnh việc thanh tra thống kê, nhất là thanh tra độc lập( Năm 2018 tiến hành 8 cuộc thanh tra độc lập).

Thứ ba, Mở rộng đối tượng sử dụng thông tin thống kê thường xuyên, báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng tháng, quý, năm được cung cấp tới 120 người là lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, các đồng chí Tỉnh ủy viên, đại biểu HĐND tỉnh, thường trực huyện, thành ủy. Niên giám thống kê tỉnh được cấp tới các xã, phường, thị trấn, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ Phó chủ tịch huyện trở lên (550 người). Xuất bản niên giám các huyện, thành phố với khoảng 600 đối tượng (bình quân 70-80 đối tượng /huyện).

Thứ tư, Tập trung xuất bản các chuyên đề chuyên sâu từ hệ thống số liệu các cuộc TĐT hoặc điều tra định kỳ, ngoài các chuyên đề do Tổng cục Thống kê yêu cầu, các chuyên đề ấn phẩm bám sát những vấn đề mà tỉnh đang có nhu cầu như: “Kinh tế biển Thái Bình” từ kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 phục vụ phát triển 3 đột phá, “Thực trạng làng nghề Thái Bình” từ kết quả TĐT kinh tế năm 2017 phục vụ sự phát triển công nghiệp, “Vị thế kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình trong vùng Đồng bằng sông Hồng” phục vụ đánh giá giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19. Ngoài ra hàng năm xuất bản 2-4 ấn phẩm khác như: Khu công nghiệp Thái Bình, Trang trại tỉnh Thái Bình; FDI và XNK Thái Bình; Tôn giáo Thái Bình ...

Thứ năm, trong hoạt động thống kê, gồm 5 hình thức:

- Qua các ấn phẩm xuất bản cung cấp cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện các thông tin chuyên sâu phù hợp với quản lý điều hành và nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn.

- Inforgraphic: Thiết kế đồ họa thông tin, chuyển những thông tin thống kê phức tạp thành thông tin dưới dạng ký hiệu, biểu tượng ngắn gọn, dễ nhớ như “GRDP bình quân khác TNBQ như thế nào”, “Doanh nghiệp Thái Bình qua góc nhìn thống kê”... đã được sự ủng hộ của các đối tượng sử dụng thông tin. Inforgraphic cũng được ứng dụng trong Niên giám cấp tỉnh năm 2017 và các chỉ tiêu chủ yếu hàng tháng trên Web.

- Web và bảng Led: Nâng cấp và sửa đổi trang Web, đây là kênh quan trọng để tuyên truyền, phổ biến thông tin, được phục hồi lại từ tháng 4/2017 đến nay đã có gần 1,86 triệu lượt truy nhập, bình quân hàng ngày có 300-400 lượt truy nhập, cao điểm 1.300 lượt. Nội dung trang Web đa dạng, phong phú, hàng quý,nhiều tin ,bài đa dạng. Bảng Led tại cục và của Sở Thông tin truyền thông được sử dụng thường xuyên để cung cấp thông tin kinh tế - xã hội.

- Mạng xã hội: Sử dụng Fanpage của FB, Zalo để tuyên truyền và phổ biến thông tin thống kê có hiệu quả lớn, do tính tương tác và trào lưu sử dụng mạng xã hội.

- Hội nghị, hội thảo và phương tiện thông tin đại chúng: Thông qua diễn đàn các hội nghị, hội thảo ở địa phương để phổ biến, phân tích, giải trình các khái niệm, phạm vi thu thập, công nghệ thực hiện các chỉ tiêu thống kê nhất là các chỉ tiêu thống kê xã hội đang quan tâm. Thường xuyên đăng tin, bài báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương và ngành.

Thứ sáu, Lịch phổ biến thông tin thống kê được công khai trên trang Web, số liệu thống kê được nâng lên về chất lượng, đã được sự đồng thuận của lãnh đạo Tỉnh, huyện và các sở ban ngành, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như GRDP, dân số ... đồng thời là căn cứ quan trọng để xây dựng kế hoạch, quy hoạch về kinh tế - xã hội, quyết định đầu tư.

Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, hoạt động thống kê trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng tạo được môi trường thuận lợi để tiếp cận những nguồn thông tin chính xác, tin cậy và kịp thời.

Vũ Lụa, Duy Tiến