Thời tiết khí hậu ẩm ướt, mưa phùn kéo dài là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, sinh sôi, dễ lây lan mầm bệnh cho đàn vật nuôi. Đặc biệt là dịch bệnh trong gia cầm.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh có hơn 14 triệu con. Ngay khi thời tiết giao mùa, tỉnh Thái Bình đã áp dụng đồng bộ các biện pháp, để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là việc tuyên truyền tới người chăn nuôi.

{keywords}
Tỉnh Thái Bình nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh Hồ Nhụy

Theo khuyến cáo của thú y địa phương, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Về chuồng trại, thường xuyên kiểm tra, tu sửa, tránh để ẩm ướt, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi; thường xuyên khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để hạn chế sự tồn lưu của mầm bệnh; vệ sinh, sử dụng hóa chất và vôi bột khử trùng, tẩy uế chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi.

{keywords}
Ảnh Hồ Nhụy

Kiểm tra thức ăn khi cho vật nuôi ăn, loại bỏ những bao thức ăn bị ẩm mốc, khử trùng nguồn nước bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch cho vật nuôi.

Về chăm sóc nuôi dưỡng, người dân cần cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, bảo đảm chất lượng và chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi; cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa... cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

Người dân cần đặc biệt quan tâm đến công tác thú y, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi.

Hàng ngày thu gom phân, chất thải về đúng nơi quy định và xử lý. Thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi, nếu phát hiện sớm những biểu hiện bất thường như uể oải, ủ rũ, kém ăn hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần cách ly ngay và thông báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Hồ Nhụy