Tại Thanh Hóa, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được chuyển tải đến hộ vay thông qua ủy thác cho 4 tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới hàng nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, xóm, tổ dân phố.

Theo số liệu thống kê của NHCSXH Thanh Hóa, trong giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn NHCSXH đã cho 463.800 lượt hộ vay vốn; giúp 889 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho 2.244 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn; xây dựng 7.589 nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội...

{keywords}
Tín dụng chính sách góp phần giúp người nghèo có thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Để bảo đảm chất lượng tín dụng, nguồn vốn được khai thác đúng mục đích, NHCSXH Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội cho 100% các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác, chủ tịch UBND và ban giảm nghèo cấp xã..

Ngoài ra, NHCSXH Thanh Hóa còn chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các hội, đoàn thể, ban quản lý tổ tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách trên cơ sở danh sách được cấp có thẩm quyền phê duyệt để chủ động bố trí nguồn vốn một cách kịp thời.

Đến ngày 24/6, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH Thanh Hóa đạt 9.858,7 tỷ đồng, với 306.604 khách hàng còn vay vốn.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách đã có thêm cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiều học sinh con hộ nghèo có điều kiện tiếp tục theo học các chương trình đào tạo nghề, đại học, tạo dựng cơ hội thoát nghèo.

Trần Hảo
Ảnh: Hữu Hải