Sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, ngày 7/10/2021, Bộ Nông- Lâm- Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận.

Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể ví như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng cũng như thế giới nói chung.

Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand...

Trước đó, quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT. Ngày 8/7/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

{keywords}
Thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Bên cạnh việc tạo dựng cơ sở pháp lý cho quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản, Cục Sở hữu trí tuệ thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) cũng hỗ trợ việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào Nhật Bản.

Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, diện tích trồng thanh long của tỉnh đạt 33.750 ha; trong đó, diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP đạt 11.936 ha, GlobalGAP đạt 517 ha, với sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm. Hơn nữa, tỉnh có khoảng 240 cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói thanh long và 6 cơ sở chế biến thanh long tập trung vào rượu vang thanh long, thanh long sấy khô, sấy dẻo.

Đáng lưu ý, 8 tháng năm 2021, lượng thanh long cả nước xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc khoảng 700.000 tấn và phần lớn là thanh long của Bình Thuận. Ngoài thanh long tươi, hiện nay một số hộ nông dân còn thu hoạch búp thanh long bán cho các cơ sở thu mua để sấy khô tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc.

Quang Ninh