Chủ động các kịch bản ứng phó

Thời điểm vải thiều vào vụ thu hoạch cũng là lúc Bắc Giang trở thành “tâm dịch Covid-19". Nhưng nhờ chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh, vải thiều Bắc Giang đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Mặt khác, tỉnh đã được Bộ NN&PTNT cùng các ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ trong nước cũng như làm thủ tục xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc…

{keywords}
Ảnh minh họa: Mạnh Hưng

Còn Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo cho biết, với kinh nghiệm đúc rút trong quãng thời gian ứng phó đợt dịch Covid-19 hồi đầu năm và sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương, tháng 5 vừa qua, Hải Dương đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại bằng hình thức trực tuyến với 131 điểm cầu tại 12 quốc gia, thu hút 300 doanh nghiệp tham gia. Ngay sau hội nghị, vải thiều Hải Dương đã được tiêu thụ ổn định trên các sàn thương mại điện tử.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, ngoài các giải pháp ổn định thị trường nông sản Thủ đô, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, đưa nông sản của các địa phương gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 vào các kênh phân phối hiện đại. Đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ 130 tấn gà đồi của thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương); 56.000 tấn xoài và 98.000 tấn nhãn của tỉnh Sơn La; 12.000 tấn rau củ, trái cây, thủy sản của các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, song song với đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương kết nối tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh, xây dựng các kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi sản xuất - tiêu thụ…

Tăng cường kết nối tiêu thụ

Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng thêm các khu trung chuyển ở khu vực cửa khẩu, giúp giảm chi phí logistics (hiện, chiếm 15-20% tổng chi phí kinh doanh xuất khẩu), qua đó giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin thêm, thực tế thời gian qua cho thấy, việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử đã mở ra kênh phân phối hiện đại và hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, chung sức giúp kênh phân phối này thêm bền vững, kết nối chuỗi cung ứng - tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ đẩy mạnh phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến, tăng hàm lượng chế biến của nông sản xuất khẩu, từ đó chủ động tiêu thụ nông sản trong mọi tình huống. Cùng với đó, Bộ sẽ làm việc với 9 tập đoàn bán lẻ trong nước về việc chuẩn bị thành lập Hiệp hội Tiếp thị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; thiết lập một hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu (từ xuất xứ, quy mô, sản lượng, thời điểm thu hoạch đến chất lượng sản phẩm), cung cấp thường xuyên, công khai tới các hệ thống bán lẻ, phân phối lớn.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ sát cánh cùng Bộ Công Thương, các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh phương thức sản xuất, kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Bộ cũng cân đối nguồn tiêu thụ trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chính, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…

Thanh Bình (tổng hợp)