Nhiều người hẳn bất ngờ khi thầy giáo 51 tuổi công tác tại một trường huyện này đến nay có 6 bài báo được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó 2 bài công bố ở hội nghị quốc gia, 2 bài công bố ở hội nghị quốc tế và 2 bài ISI đăng trên tạp chí quốc tế Materials Today Communications.

{keywords}
 

Thầy Cát kể, việc nghiên cứu khoa học đến với anh như cái duyên.

Trong quá trình giảng dạy cho học sinh, anh luôn trăn trở cách để giúp các em có thể hiểu rõ hơn bản chất các vấn đề, kiến thức và luôn tự đặt câu hỏi rằng những kiến thức đó còn có thể mở rộng ứng dụng ở những lĩnh vực nào trong cuộc sống. Mong muốn làm mới các bài giảng đã tạo động lực và cảm hứng thôi thúc thầy cần phải tiếp tục nghiên cứu.

Anh chia sẻ, trong bối cảnh xã hội có quá nhiều yếu tố tác động, lôi cuốn học sinh, đòi hỏi bản thân cũng như các giáo viên không thể “dừng lại và dạy như cách cũ”. Thay vào đó, cần phải nâng tầm chính mình lên mới có thể hòa nhịp được với học sinh.

“Có hòa nhịp được với các em thì mới có thể dạy được. Còn nếu không, có khi lại mang đến tác dụng ngược. Giáo viên không đổi mới, trăn trở và không có những kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học mới thì học sinh sẽ dễ chán nản. Học sinh chán học thì kéo theo chính bản thân giáo viên chán dạy và gây tác dụng ngược trong giáo dục”, thầy giáo Vật lý tâm sự.

{keywords}
Thầy Vũ Văn Cát (giáo viên dạy môn Vật Lý của Trường THPT Kinh Môn 2, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).

Để thỏa lòng khám phá sâu hơn những kiến thức, ứng dụng trong cuộc sống, thầy Vũ Văn Cát đã tìm đến môi trường nghiên cứu học thuật lớn trong lĩnh vực vật lý đó là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ từ gia đình

Theo thầy Vũ Văn Cát, để theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cũng phải chấp nhận đánh đổi nhiều thời gian của bản thân cho gia đình và cả vật chất, thậm chí hạnh phúc riêng tư.

“Thực sự làm nghiên cứu khoa học phải nhiệt tình. Mình dành nhiều thời gian cho nghiên cứu thì chắc chắn sẽ phải chấp nhận bớt đi thời gian quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình”, anh chia sẻ.

Thầy cho hay, điều mà bản thân cảm thấy may mắn nhất đó là luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình đối với sở thích của mình, đặc biệt là bà xã. “Đương nhiên, khi mình lên Hà Nội tập trung cho nghiên cứu thì mọi công việc lớn bé trong nhà vợ mình phải quán xuyến. Hai con vẫn còn đang đi học, tôi hiểu rất rõ sự hy sinh của vợ”.

Thầy nhìn nhận, nghĩa vụ của người giáo viên là giảng dạy kiến thức phổ thông cơ bản cho các học sinh, song trong thời đại sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật như hiện nay thì việc giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học là việc nên làm. Càng phải thực sự tham gia vào những môi trường học thuật tốt để có điều kiện phát triển bản thân và từ đó có thể hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ giảng dạy của mình và truyền cảm hứng được cho người học.

{keywords}
 

Với niềm đam mê nghiên cứu, kết quả sau hơn 3 năm, thầy Cát đã có 2 bài báo khoa học được đăng trên những tạp chí uy tín thế giới.

Năm 2018 thầy có 1 bài công bố ở hội nghị quốc tế, 1 bài ở tạp chí trong nước. Năm 2019, thầy có 3 bài gồm 1 bài hội nghị quốc tế, 1 bài hội nghị quốc gia và 1 bài công bố quốc tế ISI. Năm 2020, thầy tiếp tục có 1 bài công bố quốc tế ISI.

Hai bài công bố quốc tế là bài "Tổng hợp vật liệu tổ hợp rGO-Ag bằng phương pháp thủy nhiệt dùng trong cảm biến phát hiện xanh methylene và thuốc trừ sâu tricyclazole" năm 2019 và "Sự thực hóa các tấm graphene oxit trong cảm biến khối lượng phát hiện các khí độc hại NO2, SO2, CO và NH3" năm 2020.

Những ngày này, thầy Cát vẫn đang tập trung hoàn tất luận án tiến sỹ với đề tài “Nghiên cứu tổng hợp và khảo sát các tính chất của vật liệu nano lai giữa hạt nano kim loại và cacbon nhằm ứng dụng trong cảm biến môi trường”. Thầy giáo 51 tuổi háo hức vì sắp được bảo vệ đề tài tiến sỹ tại hội đồng Viện vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

T.H