Mới đây, ông Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có bài viết với chủ đề “Phát triển thị trường lao động Việt Nam trong xu thế mới của vốn đầu tư nước ngoài”. Trong bài viết, bộ trưởng LĐ-TBXH đã chỉ ra những tác động của dòng vốn đầu tư nước ngoài đến thị trường lao động Việt Nam cũng như việc chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu xu hướng, tận dụng thế mạnh. 

{keywords}
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung

Tác động nhiều mặt

Theo bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối với thị trường lao động Việt Nam nói riêng, dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ tới sự phát triển của thị trường và năng suất cũng như thu nhập của người lao động. 

Thứ nhất, số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được gia tăng đáng kể. Số lượng lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn năm 1995 lên khoảng 6,1 triệu lao động vào năm 2019. Tốc độ tăng lao động của khu vực này, bình quân 7,72%/năm giai đoạn 2005-2017, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác.

Thứ hai, sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp sang các ngành sử dụng nhiều lao động chất lượng cao hơn được đẩy mạnh. Trong thời kỳ đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lao động thường tập trung vào một số ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may, da giày, song hiện nay, tỷ trọng lao động trong một số ngành sản xuất áp dụng công nghệ cao đang gia tăng nhanh chóng. Tỷ trọng lao động trong ngành điện tử và sản phẩm điện tử đã tăng từ 8,03% năm 2012 lên 15,7% năm 2017.

Thứ ba, năng suất lao động có sự chuyển biến tích cực nhờ nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo giá hiện hành, năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2017 đạt 330,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 3,5 lần năng suất lao động chung của cả nước, cao hơn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung và của doanh nghiệp ngoài Nhà nước nói riêng.

Thứ tư, thông qua hệ thống đào tạo nội bộ ở trong nước và nước ngoài, và liên kết với cơ sở đào tạo bên ngoài, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.

Cơ cấu nhân lực sẽ thay đổi cơ bản

Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiện đang đứng trước ba xu thế vĩ mô hứa hẹn sẽ mang đến những chuyển biến khó lường trong dòng vốn đầu tư nước ngoài, cơ cấu kinh tế - xã hội và thị trường lao động trong nước. 

Thứ nhất là sự chuyển dịch sâu rộng cơ cấu kinh tế do tác động của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0). 

Thứ hai là việc tái định vị dòng chảy hàng hoá, dịch vụ quốc tế do tác động của Cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Và thứ ba là sự tăng tốc trong chiến lược đa phương hoá đối tác và tái cấu trúc chuỗi cung ứng của các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia dưới ảnh hưởng trực tiếp của Đại dịch Covid-19.  

Bộ trưởng LĐ-TBXH chỉ ra, những xu thế vĩ mô này đã và đang làm nổi bật một số xu hướng rõ rệt đối với dòng chảy và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới và thay đổi căn bản thị trường lao động Thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Về hình thức đầu tư, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng sang tìm kiếm hiệu quả đầu tư, đặc biệt ở Đông Á và Đông Nam Á. Thay vì tìm kiếm những thị trường lớn và mới mẻ để khai thác trực tiếp như trước đây, các tập đoàn đa quốc gia hiện nay ưu tiên đầu tư ở những nơi có cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, cơ chế chính sách phù hợp và chính trị ổn định nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh ở các thị trường sẵn có.  

Về nhu cầu lao động, cơ cấu nhân lực sẽ có sự thay đổi cơ bản khi dòng chảy đầu tư nước ngoài có xu thế hướng tới các ngành đòi hỏi lao động trình độ trung bình đến cao, bao gồm linh kiện, phụ kiện máy móc, đồ điện tử, các sản phẩm khoa học, sản phẩm y tế, hoá học, cao su và nhựa; mà không còn là các ngành thâm dụng lao động tay nghề thấp như dệt may hay da giày. 

Về thu hút vốn mới, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế và nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa đang dần trở thành điểm cạnh tranh cơ bản giữa các nước có nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài cao, trong khi việc sử dụng các ưu đãi tài khóa (như giảm thuế, miễn thuế) và tài chính (như trợ cấp, cho vay vốn ưu đãi) để thu hút đầu tư nước ngoài đang giảm dần tính ưu việt. 

Về di dời vốn cũ, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài làm nhiều nhà đầu tư quyết định khởi động việc di chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc, đại dịch Covid-19 sẽ làm họ chắc chắn hơn với quyết định của mình và đẩy nhanh giai đoạn thực thi. Điều này cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới sự phát triển thị trường lao động Việt Nam và Thế giới.   

{keywords}
Dòng vốn đầu tư nước ngoài đã có tác động không nhỏ tới thị trường lao động VN. Ảnh minh họa

Đón đầu xu hướng 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế sẽ chuyển biến mạnh mẽ trước những xu thế vĩ mô bàn ở phần trên, thị trường lao động Việt Nam chắc chắn cũng sẽ có những thay đổi căn bản trong cơ cấu và tổ chức. 

Trong tương lai gần, cấu trúc lao động đã, đang và sẽ tiếp tục dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu việc làm sẽ có xu hướng dịch chuyển từ các lĩnh vực thâm dụng lao động sang các ngành ứng dụng công nghệ. Việc làm sử dụng lao động phổ thông, ít kỹ năng sẽ giảm dần, thay vào đó là việc làm yêu cầu lao động có trình độ cao hơn và nhiều kỹ năng hơn. 

Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, một phần lớn người lao động ở Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ mất việc, thất nghiệp và bị bỏ rơi trong xu thế dịch chuyển hiện nay. 

Do đó, theo Bộ trưởng, để đón đầu được các xu hướng đầu tư nước ngoài mới và để người lao động Việt Nam được thụ hưởng lợi ích trong một nền kinh tế bền vững, chúng ta cần chủ động xây dựng các chiến lược hành động toàn diện, cùng nhau kiến tạo một thị trường liên thông, hoàn chỉnh, với hệ sinh thái đa dạng, có tính lan tỏa cao và có sự liên kết chặt chẽ với thị trường quốc tế. 

Bộ LĐ-TBXH sẽ chủ động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, chủ động phân tích, dự báo xu hướng chuyển dịch trong lao động – việc làm, nhu cầu lao động trong nước và quốc tế để thường xuyên báo cáo, tham mưu cho Chính phủ. Bộ sẽ khảo sát, đánh giá sát sao hơn nữa thị trường lao động ở các địa phương trọng điểm, có các phương án chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng lao động để đón nhận các dự án mới. 

Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ ban ngành liên quan đánh giá, xác định được nhu cầu kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế mới để có những điều chỉnh phù hợp cho hệ thống giáo dục và đào tạo trong nước, đặc biệt là công tác xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo đáp ứng đúng và đủ nhu cầu các ngành nghề mới.

Bộ sẽ là cơ quan đi đầu, táo bạo đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ những thể chế chính sách mới, để phát triển thị trường lao động, đáp ứng tốt nhất nhu cầu công nghiệp hóa Đất nước, nhất là làn sóng đầu tư nước ngoài sắp tới vào Việt Nam.

“Thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ là điểm sáng, thế mạnh mới trong thu hút đầu tư chất lượng cao trên Thế giới vào nước ta”, bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bảo Quyên