Bên cạnh đó, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê, phản ánh sát thực và đầy đủ hơn về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, phục vụ kịp thời, hiệu quả khi xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các ngành, lĩnh vực và địa phương.

5 nhóm đối tượng sẽ vào “tầm ngắm”

Theo Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, khu vực này sẽ bao gồm 5 nhóm.

Nhóm thứ nhất là hoạt động kinh tế ngầm, là hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội.

Nhóm thứ hai là hoạt động kinh tế bất hợp pháp, là hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp, nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép.

Nhóm thứ 3 là hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, là bộ phận kinh tế phi chính thức chưa được thu thập thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh.

Nhóm thứ 4 là hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình, là hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tiêu dùng và tích lũy cho chính các thành viên của hộ gia đình đó.

Nhóm thứ 5, hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê, là hoạt động kinh tế lẽ ra phải được thu thập thông tin biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê khác, nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập các thông tin đó.

{keywords}
Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát: Đưa vào tầm kiểm soát

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng cục trưởng TCTK cho biết, khu vực kinh tế chưa quan sát ngày càng đa dạng, phức tạp và tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn khu vực kinh tế ngầm, với các đối tượng như người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật có thu nhập phát sinh rất cao, hoặc các đối tượng sử dụng phần mềm điện tử để kinh doanh qua mạng… đều là đối tượng mà lâu nay cơ quan thuế chưa thu được giá trị lao động của họ để đóng góp phần giá trị tạo ra vào GDP và thu nhập tạo ra của nền kinh tế.

Tỷ lệ khu vực kinh tế chưa được quan sát ở mỗi quốc gia là khác nhau, tuỳ thuộc quy định pháp luật của nước đó có đưa hoạt động sản xuất đó vào tính toán hay không. Chẳng hạn, Hà Lan đã đưa hoạt động nhạy cảm như mại dâm vào thống kê và coi đây là một hoạt động kinh tế để quản lý. Tuy nhiên đối với Việt Nam, do đây là hoạt động trái với thuần phong mỹ tục nên dù nhiều quốc gia đã xét đến nhưng Việt Nam chưa chắc thực hiện. Hoặc với tham nhũng, đây không phải hoạt động sản xuất, nên sẽ không nằm trong mục tiêu thu thập thông tin tính toán. Vì vậy, phương pháp cũng như số liệu thống kê của các nước chỉ mang tính tham khảo, bổ sung thực tiễn mà không vận dụng máy móc vào Việt Nam.

Đi vào từng ngõ ngách nhỏ của nền kinh tế

Đánh giá về tính khả thi của đề án, ông Dương Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, TCTK cho rằng đề án này rất khó cả về lý luận và thực tiễn. Trước hết, việc xác định phạm vi, ranh giới các thành tố rất khó và thực tiễn thu thập số liệu cũng không đơn giản, cần sự vào cuộc của các bộ ngành, địa phương. Trong xây dựng đề án, vừa qua 16 bộ, ngành đã phối hợp tích cực và sắp tới sẽ xác định danh mục phạm vi từng thành tố để thu thập thông tin.

Ngoài ra, ông Hùng bày tỏ tin tưởng rằng với môi trường pháp lý phục vụ hoạt động kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nhiều bộ ngành triển khai các đề án có liên quan, như NHNN triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan thuế triển khai đề án chống thất thu thuế… nếu thực hiện đồng bộ sẽ làm hạn chế khu vực kinh tế chưa được quan sát, là yếu tố thuận lợi để cơ quan thống kê phối hợp thực hiện thành công đề án.

Đứng trên giác độ cơ quan thuế, bà Lê Thu Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế, Tổng cục Thuế chia sẻ, việc thực hiện đề án sẽ giúp cơ quan thuế có thêm thông tin phục vụ hoạt động quản lý. Bởi hiện cơ quan thuế chỉ quản lý được người kinh doanh chủ động đăng ký hoạt động, nhưng trong phạm vi chuyên môn của mình không thể rà soát toàn bộ hoạt động kinh tế nhỏ phát sinh. Vì vậy, trong quá trình TCTK thực hiện điều tra sẽ đi sâu, chi tiết hơn vào từng ngõ ngách nhỏ của nền kinh tế, mỗi hoạt động phát sinh thu nhập đều được thống kê và trên cơ sở đó cơ quan thuế sẽ sàng lọc để xác định xem đâu là đối tượng mà mình phải quản lý thuế.

“Trước hết phải phân biệt là không phải tất cả những hoạt động phát sinh thu nhập trong xã hội thì cơ quan thuế đều thu thuế, mà chỉ đến ngưỡng nào đó thôi, tức là đối tượng của thống kê và thuế không giống nhau. Tuy nhiên khi thống kê sẽ xác định một tập dữ liệu lớn như vậy thì trên cơ sở đó Tổng cục Thuế sẽ phát hiện ra mình đang bỏ sót đối tượng nào”, bà Mai giải thích.

Đề án hướng tới 3 mục tiêu. Thứ nhất, đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế. Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế. Thứ ba, góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế.

Tuấn Anh