Vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Thao cho biết, hiện Bình Dương có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, Bình Dương có 29 khu công nghiệp với trên 2.000 doanh nghiệp, 485.670 lao động Việt Nam và 14.900 lao động nước ngoài; 12 cụm công nghiệp với 40.000 lao động; các khu nhà trọ đan xen các nhà máy, xí nghiệp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào doanh nghiệp rất cao.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, tính đến ngày 26/6/2021, Bình Dương đã ghi nhận 226 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó có 09 ca trong các khu công nghiệp. Từ ngày 14/6 đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại một số công ty nằm đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân, do đó mức độ lây lan nhanh.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch và tập trung các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp. 

Hiện tại, năng suất xét nghiệm trên 5.000 mẫu đơn hoặc 50.000 mẫu gộp/1 ngày. Tỉnh cũng thực hiện xã hội hóa xét nghiệm nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm lên hơn 100.000 mẫu/ngày; thành lập 200 đội lấy mẫu cơ động, đảm bảo lấy mẫu nhanh trên diện rộng; trang bị các test kháng nguyên nhanh cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh.

{keywords}
TSáng 27/6, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm.

Về công tác điều trị, số giường điều trị bệnh trong tỉnh đáp ứng điều trị được 600 người. Tỉnh đã thành lập mới Khu điều trị tại thị xã Tân Uyên trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 200 giường và dự kiến mở rộng một số khu lên quy mô 1.000 giường. Tỉnh đã tổ chức được 03 đợt tiêm vắc xin cho 43.432 người, trong đó, đã tiêm 1 mũi là 41.343 người, 2 mũi là 2.090 người thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên.

Để ngừa nguy cơ lây lan dịch trong công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, khu nhà trọ, tỉnh Bình Dương kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu của công tác phòng, chống dịch, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Bộ Y tế chỉ đạo và hỗ trợ về chuyên môn trong công tác xử lý dịch trong khu công nghiệp; trang thiết bị, sinh phẩm và test xét nghiệm cho tỉnh Bình Dương trong trường hợp dịch xảy ra diện rộng; điều động nhân lực hỗ trợ nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục lan rộng và số lượng người nhiễm tăng cao.  

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 06 tháng đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Thao cho biết, tỉnh kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ 6,73%); kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,1 tỷ đô la Mỹ (tăng 47,2% so với cùng kỳ); thặng dư thương mại đạt 3,8 tỷ đô la Mỹ; thu mới ngân sách đạt 36.600 tỷ đồng, tăng 23%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 55.138 tỷ đồng (tăng 10,7%), Tỉnh đã thu hút được 1,4 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài, tăng 65% và 49.115 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh trong nước, tăng 91,2% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công tác chăm lo đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 7 triệu đồng/người/tháng, cao nhất cả nước.

Về nhiệm vụ 06 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Các giải pháp trọng tâm là kiên định thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực. Chủ động xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh, đẩy nhanh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, vốn đầu tư công. Chăm lo đời sống nhân dân, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho Bình Dương đầu tư phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đồng bộ, với các dự án giao thông quan trọng như: Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13; dự án chống ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747b; ĐT743; Dự án tuyến đường vành đai 3, vành đai 4; Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Chơn Thành...

Tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép"

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch tại Bình Dương, Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bình Dương đã nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép" vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh vẫn kiểm soát được dịch bệnh, đạt tăng trưởng kinh tế trên 7%, thu ngân sách hơn 60%, đời sống nhân dân chưa bị tác động nhiều, chính sách an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt, nhất là không có hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương. Đây là những điểm sáng cần tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để phát huy thật tốt.

Thủ tướng cũng đánh giá cao định hướng tăng trưởng kinh tế xanh của Bình Dương bằng áp dụng khoa học công nghệ, trong đó có chuyển đổi số nền kinh tế. Thủ tướng cho rằng, nhân cơ hội trong thời kỳ dịch bệnh này, Bình Dương mạnh dạn tái cơ cấu nền kinh tế theo đổi mới công nghệ; tái cơ cấu đội ngũ lao động, nâng cao tay nghề, nâng cao quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp với TP. Hồ Chí Minh kết nối giao thông, đẩy mạnh phát triển hơn nữa tính liên kết vùng.

Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công; chủ động điều chỉnh các dự án đầu tư công cho phù hợp, nhất là các dự án trọng điểm cần triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bình Dương cần áp dụng sáng tạo phương án phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay cho phù hợp. Đặc biệt, vừa thực hiện cách ly xã hội, vừa tập trung sản xuất kinh doanh tại chỗ, sớm đẩy lùi dịch bệnh đang lây lan tại các công ty. 

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát tình hình, không được lơ là, mất cảnh giác; phải có kịch bản ứng phó với tình huống xấu khi dịch diễn biến phức tạp, nhưng không vội vàng, hốt hoảng, nhanh chóng phong tỏa, khép kín "dễ cho người làm, nhưng khó cho dân".

Mặt khác, trong việc cách ly tại nhà cần áp dụng kiểm tra, theo dõi qua điện thoại, qua phương tiện Internet, thiết lập tư vấn hằng ngày; hướng dẫn cho người cách ly tại nhà và có cơ quan, đơn vị quản lý, giám sát... Có thể nghiên cứu phương án cho F1 cách ly tại nhà để tránh tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Một nhiệm vụ quan trọng với Bình Dương là đẩy mạnh xét nghiệm kháng nguyên nhanh để phát hiện F0, khẩn trương khoanh vùng, cách ly mầm bệnh ra khỏi cộng đồng. Căn cứ tình hình cụ thể để nghiên cứu chiến lược cách ly cho phù hợp, có thể cách ly tại nhà với các ca F0 không có triệu chứng nguy hiểm và F1. Tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan rộng trong các khu công nghiệp.

Đối với các kiến nghị của Bình Dương, Thủ tướng giao các Bộ ngành xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì trình các cơ quan liên quan xem xét, quyết định. Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình, giữ vững đoàn kết, vượt qua khó khăn chung của đất nước và của địa phương để tiếp tục phát triển, đạt được những thành quả. 

Cửu Long