Thuận Thành (Bắc Ninh) vốn là huyện nông nghiệp. Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng của huyện còn lạc hậu; bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của các xã thấp… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, đến nay tất cả 17 xã của huyện đạt chuẩn NTM; cơ cấu kinh tế toàn huyện chuyển dịch nhanh, hiệu quả. Sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của người dân, sức mạnh cộng đồng được phát huy là nhân tố bảo đảm thành công trong xây dựng NTM ở Thuận Thành.

{keywords}
Thuận Thành đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM

Sau 9 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện Thuận Thành đã có bước phát triển toàn diện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng khang trang, hiện đại.

Hình thức tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Toàn huyện đã có 54 hợp tác xã. Các hợp tác xã bước đầu hình thành được chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ ra tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu. Các xã đều chủ động dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả. Thuận Thành đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế trang trại gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Huyện tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, Thuận Thành tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ. Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển hai khu công nghiệp và ba cụm công nghiệp (Thanh Khương, Xuân Lâm, Hà Mãn - Trí Quả) thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 15 nghìn lao động. Đời sống người dân được cải thiện. Theo khảo sát mới đây, thu nhập bình quân đầu người ở 17 xã đạt gần 48 triệu đồng/năm, tăng hơn 32 triệu đồng/năm so với năm 2010.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường trên địa bàn Thuận Thành ngày càng được nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; trật tự an toàn xã hội bảo đảm; hệ thống tổ chức chính trị của huyện ngày càng vững mạnh. Đồng chí Nguyễn Thị Liên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy chia sẻ, trên cơ sở kinh nghiệm có được, Huyện Thuận Thành đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; tăng cường vai trò giám sát, đánh giá, phản biện xã hội; phát huy dân chủ ở cơ sở, nội lực trong nhân dân. Tất cả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng thành công huyện Thuận Thành là NTM kiểu mẫu trong nhiệm kỳ mới.

Đến nay, huyện Thuận Thành đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM, 17/17 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM; tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2011 - 2019 tăng bình quân 12,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt gần 47 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,7%...

Hồng Khanh
Ảnh: Thái Khang