Theo đó:

Một là, sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Nghiên cứu, rà soát sửa đổi cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện sở hữu nhà nước, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn, phù hợp với bối cảnh, tình hình hiện nay, làm cơ sở cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động, tận dụng được thế mạnh của các doanh nghiệp lớn, phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tăng cường vai trò và tôn trọng quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quyền của doanh nghiệp theo quy định. Hoàn thiện hệ thống luật pháp nhằm tạo quyền chủ động lớn hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả chế độ lương, thưởng gắn với kết quả kinh doanh, cũng như khung mức độ rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tạo tâm lý an tâm và thúc đẩy tìm kiếm hiệu quả đầu tư.

Rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách hoặc các quy định cụ thể để tách bạch việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với các hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, thực hiện việc giám sát và đánh giá doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chuẩn mực quốc tế và bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước bình đẳng như các doanh nghiệp khác; tránh việc can thiệp của nhiều cơ quan quản lý vào hoạt động kinh doanh đơn thuần của doanh nghiệp.

Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (luật, pháp lệnh) đồng bộ để thực hiện xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, nhất là các dự án thua lỗ của ngành công thương, các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, mất vốn.

Cần nghiên cứu để có quy định cụ thể ưu tiên cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn, các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ lâu dài; củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.  

Hai là, rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp. Tăng cường minh bạch thông tin đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước; có chế tài xử lý nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong việc phối hợp quản lý, sắp xếp doanh nghiệp giữa các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán kịp thời phát hiện các vi phạm, xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm tạo sự “răn đe” để nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, báo chí và của nhân dân đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước: Rà soát, xác định, tập trung vào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh chính và những ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính. Xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp; rà soát điều lệ hoạt động, quy chế quản lý nội bộ, làm việc, phương pháp quản trị tại doanh nghiệp. Nghiên cứu cơ chế đối với ban kiểm soát, kiểm soát viên theo hướng hoạt động độc lập, không để xảy ra tình trạng thao túng toàn bộ hoạt động doanh nghiệp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, nguyên tắc thị trường, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, nguyên tắc quản lý tài chính.  

Bốn là, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, mô hình các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt doanh nghiệp, nâng cao tính đảng và ý thức tuân thủ pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng.

Lan Anh