Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, thì yêu cầu phát triển năng lượng tương ứng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vì năng lượng là một nền tảng hạ tầng trọng yếu để phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, để đảm bảo năng lượng đáp ứng thực hiện được mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2045, đòi hỏi cần ra sức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng với việc đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế, ngành điện đã có rất nhiều nỗ lực để ưu tiên đưa điện đến với người dân ở các khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Từ đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo kinh tế và xã hội ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xoá đói, giảm nghèo, đồng thời góp phần giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

{keywords}
Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển bền vững

Đến nay, 100% số xã và 99,3% số hộ dân nông thôn trên cả nước có điện, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hiệu quả vận hành hệ thống điện ngày càng được nâng cao. Đây chính là minh chứng trung thực nhất để khẳng định "không ai bị bỏ lại phía sau."

Để phát triển kinh tế thì “điện - đường - trường - trạm” đang những yếu tố hạ tầng cơ bản và quan trọng để tạo ra động lực, thúc đẩy thành công. Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành công nghiệp điện đóng vai trò quan trọng.

Gắn liền với lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đến nay, ngành điện đã khẳng định sứ mệnh, trách nhiệm, từng bước đóng góp vào xây dựng nền kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Nếu năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, tổng công suất nguồn điện cả nước chỉ 1.326 MW, sản lượng điện sản xuất 2,95 tỷ kWh thì đến nay, sau hơn 46 năm, hệ thống điện Việt Nam đã đạt tổng công suất nguồn điện trên 69.000 MW, điện năng sản xuất đạt khoảng 250 tỷ kWh. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới.

Đồng thời, cơ cấu nguồn điện được đa dang hóa; trong đó công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối... chiếm tỷ trọng cao, khoảng 51%. Theo báo cáo của EVN, Việt Nam thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Bằng nỗ lực và sự đổi mới của mình, các doanh nghiệp ngành điện đã góp phần đưa ánh sáng đi muôn nơi, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân các vùng khó khăn.

Đây cũng là dẫn chứng sống động về những thành tựu đổi mới tại Việt Nam, chứng minh rằng con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ đem lại hiệu quả tích cực về kinh tế khi các địa phương dần "thay da, đổi thịt" mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội, giúp cải thiện cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội - tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Văn Hùng