Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy, số giờ khai thác kinh tế cho thủy điện vào khoảng từ 2.500-3.000 giờ/năm tùy thuộc vào tính chất và cơ cấu nguồn điện. Trên cơ sở cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 của Việt Nam, thủy điện chỉ chiếm tỷ trọng 20% trong hệ thống điện.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các dự án thủy điện lớn ở trong nước gần như đã được xây dựng và khai thác ở mức tối đa, hiện chỉ còn các dự án thủy điện nhỏ và vừa.

Thủy điện, nếu được chú trọng đầu tư khai thác sẽ hoàn toàn trở thành nguồn năng lượng quan trọng cung cấp điện cho cả hệ thống. Năm 2018, sản lượng thủy điện đóng góp đáng kể vào hệ thống điện chiếm đến khoảng 47%, năm 2019 chiếm hơn 41%.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, thủy điện cũng là nguồn năng lượng tái tạo nên chi phí vận hành thường thấp, góp phần quan trọng vào việc giảm giá phát điện của hệ thống. Hiện nay, giá thành sản xuất điện từ thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện tại Việt Nam.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam được báo chí dẫn lời, cho rằng với vai trò trọng yếu trong hệ thống điện, các dự án thủy điện lớn ngày càng giữ vững và phát huy năng lực của mình. Tuy nhiên, trải qua thời gian hàng chục năm vận hành, hệ thống tua-bin, máy phát, thiết bị điều khiển... có thể hư hỏng, xuống cấp, trong khi nhà máy vẫn phải vận hành ở mức cao. Do đó, nguy cơ sự cố là hiện hữu.

Vì vậy, việc mở rộng các dự án thủy điện là cần thiết. Bởi lẽ các tổ máy thường làm việc vượt ngưỡng thiết kế ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy; mặc dù đã phát hết công suất, vượt số giờ vận hành nhưng hằng năm vẫn phải xả tràn vào mùa lũ gây lãng phí nước.

Ngoài ra, nguồn thủy điện rất linh hoạt, việc dừng và khởi động tổ máy chỉ mất vài phút nên khi cần huy động nguồn, thủy điện có thể đáp ứng nhanh cho hệ thống ứng cứu kịp thời khi dao động công suất.

Như vậy, với lợi thế của mình, các nhà máy thủy điện ngày càng chuyển dịch thời gian vận hành vào những lúc phụ tải điện tăng cao, tăng công suất để cung ứng điện.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoạch, chuyên gia năng lượng, việc đầu tư mở rộng một số nhà máy thủy điện nếu thuận lợi, sẽ cho phép cung cấp bổ sung công suất vào những lúc phụ tải điện tăng cao cho hệ thống điện, đạt mức hợp lý trong việc sử dụng tài nguyên năng lượng tái tạo hiện có của Việt Nam.

Mặt khác khi mở rộng, các nhà máy thủy điện cũng cung cấp thêm một phần năng lượng đáng kể và nâng cao chất lượng điện cho hệ thống điện. Đối với tác động môi trường, các dự án thủy điện mở rộng không làm tăng tác động xấu, hạn chế được việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống điện.

Để phát huy hiệu quả khi mở rộng các nhà máy thủy điện hiện có, ông Nguyễn Hữu Chỉnh, Tổng giám đốc PECC1 kiến nghị cần có hành lang pháp lý về giá điện cho giờ cao điểm, thấp điểm đối với các thủy điện lớn (do Bộ Công Thương ban hành) phù hợp, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật khả thi.

Ngoài ra, để đáp ứng mức độ tham gia nhanh của điện gió và điện mặt trời, các nhà máy thủy điện cần sớm nghiên cứu phương án mở rộng, khi có hành lang pháp lý (giá điện) có thể triển khai được ngay.

Giới chuyên gia đánh giá, giá trị của việc mở rộng các công trình thủy điện không phải nằm ở sản lượng điện năng tăng thêm do nâng công suất mà là ở giá trị công suất khả dụng, khả năng tham gia phủ đỉnh hoặc hỗ trợ hệ thống điện một cách nhanh nhất.

Cùng với đó là hiệu quả kinh tế thể hiện qua sản lượng điện thu được từ việc nâng công suất có thể chuyển đổi phương thức sử dụng từ giờ thấp điểm sang giờ cao điểm, chưa kể đến các tác dụng khác như giảm biên độ dao động, ổn định điện áp…

Hiện nay, công suất thủy điện trong hệ thống điện Việt Nam chiếm hơn 30% (khoảng 20.000 MW công suất). Tuy nhiên, theo dự báo nhu cầu điện đến năm 2030, tổng công suất điện của cả hệ thống điện Quốc gia sẽ phải đạt khoảng 131.000 MW; trong đó nguồn thủy điện chỉ còn chiếm khoảng 20% và nguồn năng lượng tái tạo gió, mặt trời sẽ chiếm gần 20%.

Mỹ Hòa