Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) trong thời hạn 5 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2025). Theo tờ trình của Chính phủ, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách Nhà nước, do đây là chính sách đã được thực hiện từ 2001.

20 năm phát huy hiệu quả

Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã được thực hiện từ năm 2001. Khi ấy, đối tượng của chính sách này là các hộ nghèo trong cả nước và các hộ ở các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và giảm 50% thuế SDĐNN đối với đất trồng lúa và cà phê.

{keywords}
Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn. 

Đến năm 2011, đối tượng miễn thuế SDĐNN được mở rộng với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Từ năm 2017 trở đi, mở rộng diện được miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2020 cho các đối tượng còn lại đang phải nộp thuế SDĐNN.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số thuế miễn, giảm giai đoạn 2003 - 2010 trung bình khoảng 3.263 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2016 - 2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 9.770 tỷ đồng/năm.

Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.

Chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; Góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ kết quả thu được trong 20 năm qua, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết để tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến năm 2025.

Nâng cao đời sống người nông dân, không làm giảm ngân sách nhà nước

Theo đề xuất này, sẽ tiếp tục miễn thuế SDĐNN đối với: toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo và toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho một số đối tượng. Miễn thuế SDĐNN đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.

Riêng đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai; trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đánh giá về tác động của việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025, theo Bộ Tài chính, việc này sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Đồng thời, chính sách này cũng thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm, đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Duy Khánh
Ảnh: Vân Anh