Mới đây, tại Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 do Bộ Ngoại giao tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đã có bài phát biểu với chủ đề “Hợp tác của tỉnh Bắc Giang với các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh”.

Khả năng phòng, chống dịch nâng lên đáng kể giúp DN, nhà đầu tư yên tâm

Theo đó, ông Phan Thế Tuấn cho biết, tháng 5, tháng 6 vừa qua, Bắc Giang là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất cả nước do dịch Covid-19 bùng phát, làm cho sản xuất công nghiệp bị ngưng trệ, nhiều lĩnh vực xã hội bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, với quyết tâm của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong tỉnh, với phương châm “Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang”, không để dịch lây lan ra cả nước, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, tỉnh Bắc Giang đã ra một quyết định chưa từng có tiền lệ.

Đó là: Tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp (KCN) với hơn 360 doanh nghiệp; hơn 160 nghìn lao động phải nghỉ việc, giữ hơn 60.000 lao động của các tỉnh ở lại Bắc Giang để kiểm soát, không cho dịch bệnh lây lan ra các tỉnh, TP khác (công nhân của 61/63 tỉnh, TP đến làm việc ở tỉnh Bắc Giang).

Cũng theo Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang, với quyết định này, ban đầu, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chưa đồng thuận với lãnh đạo tỉnh do nguy cơ bị chậm, phạt và hủy hợp đồng, đứt gãy chuỗi sản xuất, thiếu lao động khi hoạt động trở lại rất cao.

Tuy nhiên, ngay khi các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất an toàn, trong đó tập trung vào các giải pháp:

Cử các đoàn công tác phối hợp với doanh nghiệp rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm và điều kiện phòng, chống dịch tại doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các điều kiện phòng, chống dịch trong sản xuất theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn.

Triển khai mô hình sản xuất “ba tại chỗ”, “hai điểm đến, một cung đường”, thành lập các tổ an toàn Covid trong từng bộ phận sản xuất của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ thông tin kiểm soát tiếp xúc để đánh giá nguy cơ lây nhiễm khi phát sinh F0 tại nơi sản xuất.

Phối hợp với doanh nghiệp và huy động tối đa các nguồn hỗ trợ cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch, nhất là người bị nhiễm bệnh, phải cách ly tập trung, trong vùng cách ly, phong tỏa, xa quê, nuôi con nhỏ,… Phối hợp với các tỉnh đưa công nhân về quê và đón công nhân trở lại làm việc.

Ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động, chuyên gia nước ngoài. Đến nay, đã có hơn 97% công nhân trong các KCN và 100% người nước ngoài trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19.

Ông Phan Thế Tuấn chia sẻ, với nỗ lực tối đa, chỉ 8 ngày sau khi tạm dừng hoạt động của các KCN, ngày 25/5, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tổ chức lại hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp trong các KCN: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”.

Ngày 28/5, doanh nghiệp đầu tiên trong KCN đã quay lại sản xuất. Đến tháng 7, tỉnh đã quay lại trạng thái “bình thường mới”. Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với mức sử dụng lao động tương đương, thậm chí cao hơn thời điểm trước dịch (6 KCN với 385 doanh nghiệp hoạt động, sử dụng 191.972 lao động; tăng 23 doanh nghiệp, 41.000 lao động; 221 doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp với 48.100 lao động).

Thu hút đầu tư FDI vào tỉnh năm 2021 tiếp tục duy trì trong tốp 10 của cả nước, với 20 dự án FDI thu hút mới, vốn đăng ký 637,5 triệu USD; 44 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 376 triệu USD (GRDP quý III tăng đạt 10,43%, quý IV tăng 14,1%) đã góp phần đưa GRDP cả năm tăng 7,82%.

Để nhanh chóng vượt qua giai đoạn dịch bệnh hết sức khó khăn, phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, TP trong cả nước, đồng thời đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đối với các doanh nghiệp FDI, các văn bản hướng dẫn của tỉnh về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất được dịch sang các ngôn ngữ: Anh, Trung, Nhật, Hàn Quốc giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận thông tin, thực hiện.

Do đó, từ những băn khoăn, nghi ngại ban đầu khi 4 KCN phải tạm dừng sản xuất, các doanh nghiệp, nhà đầu tư FDI đã tích cực hợp tác với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thiết lập sản xuất an toàn, cùng vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Trong tháng 10, tháng 11 vừa qua, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu xâm nhập lại vào các KCN của tỉnh, tỉnh đã nhanh chóng khoanh vùng, xử lý, không để doanh nghiệp phải ngừng sản xuất.

Theo ông Tuấn, điều đó cho thấy khả năng phòng, chống dịch của các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng và của tỉnh nói chung đã được nâng lên đáng kể, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài yên tâm sản xuất, kinh doanh và có kế hoạch đầu tư, mở rộng đầu tư tại tỉnh Bắc Giang.

{keywords}
Công nhân quay trở lại các khu công nghiệp (KCN) làm việc giữa tâm dịch tỉnh Bắc Giang tháng 6 vừa qua 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư

Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang nhận định, thời gian tới, dịch bệnh còn có nhiều diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp nên tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng trong phục hồi sản xuất và phòng, chống dịch.

Chẳng hạn: Thành lập và duy trì hoạt động 5 trạm y tế lưu động tại KCN; đang triển khai thành lập Trung tâm Y tế KCN để giám sát, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong KCN, bảo đảm 100% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cán bộ y tế phụ trách theo dõi; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, hỗ trợ đời sống cho công nhân yên tâm quay lại nhà máy. Chấp thuận và tạo điều kiện cách ly tốt nhất cho chuyên gia nước ngoài quay lại tỉnh làm việc.

Bảo đảm an ninh, trật tự và giải quyết đình công, tranh chấp lao động tập thể. Tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Ông Phan Thế Tuấn cho biết, trong năm 2021, Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 KCN. Tỉnh cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ bổ sung thêm 20 KCN với tổng diện tích 7.000 ha.

Do đó, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Giang khẳng định, với những nỗ lực và thành quả về công tác phòng, chống dịch, Bắc Giang tin tưởng, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục là điểm đến an toàn và thành công của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng.

Quyết Thắng