Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời sẽ tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất, tăng nguồn thu cho người dân. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ.

Ngoài ra, hệ thống pin mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm tốc độ bốc hơi nước và tiết kiệm được khoảng 14-29% nước tưới cho cây trồng. Do đó, hệ thống pin mặt trời rất thích hợp đối với nhiều loại cây ưa ánh nắng tán xạ.

{keywords}
Hệ thống tưới nước bằng năng lượng mặt trời 

Thời gian qua, tại nhiều vùng nông thôn phía Nam, người dân đã bắt đầu sử dụng các hệ thống bơm tưới sử dụng năng lượng mặt trời. Điểm chung của các mô hình này là phục vụ các khu vực điện lưới chưa thể tiếp cận, hoặc nơi nguồn điện không ổn định, bị cắt điện thường xuyên.

Theo những người đã lắp đặt, các thiết bị điện năng lượng không tiết kiệm chi phí hơn cách truyền thống như dùng điện lưới hay chạy máy phát điện, nhưng chúng giúp việc bơm tưới chủ động hơn.

Hệ thống này cũng đơn giản, chỉ là những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà có kết nối với hệ thống tích trữ điện. Khoảng 8 giờ sáng, khi nắng lên là hệ thống hoạt động tốt và có thể dùng điện cho tưới vườn cây ăn trái và sinh hoạt trong gia đình.

Tùy theo điều kiện thời tiết, bà con sẽ tiến hành tưới vườn 1 - 2 lần/ngày hoặc tưới cách ngày. Quy trình hoạt động đơn giản chỉ bằng việc khởi động hệ thống cầu dao. Ví dụ, với 12.000m2 vườn cây ăn trái, chỉ cần bật cầu dao điện, mở van, hệ thống tưới sẽ được hoạt động. Mỗi ngày, lượng điện dùng trong việc tưới vườn và sinh hoạt chỉ từ 7- 8kWh/ngày.

Theo ghi nhận tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, ngoài tiết kiệm chi phí, chủ động trong tưới tiêu, mô hình điện năng lượng mặt trời cũng góp phần bảo vệ môi trường. Bởi thông thường, đối với diện tích vườn lớn, ngoài dùng motor điện thì người dân thường sử dụng máy bơm nước chạy bằng dầu phục vụ cho tưới tiêu, máy bơm sẽ thải ra một lượng khí thải từ khói của động cơ, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, điện năng lượng mặt trời sẽ giải quyết được bài toán đó, đồng thời phát huy hiệu quả tối đa đối với những khu vực vùng nông thôn, khó khăn thiếu điện.

Theo ông Bùi Văn Sơn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời kết hợp với công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước chi phí sản xuất cho vườn cây là rất cần thiết. Đây cũng là giải pháp hiệu quả đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển trong điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra nguồn năng lượng sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện cùng với các cơ quan chuyên môn đã tư vấn, hỗ trợ chi phí cho nông dân xây dựng mô hình điểm và mô hình trình diễn để nhiều nông dân học tập, ứng dụng vào sản xuất. Qua thực hiện mô hình, hiệu quả thấy rõ nhất đó là giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm điện và tạo thêm nguồn điện sạch cung cấp cho người dân...

“Để tăng hiệu quả của hệ thống điện năng lượng mặt trời, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười vừa tiếp tục hỗ trợ thêm một mô hình lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho khâu tưới vườn của một thanh niên ở xã Đốc Binh Kiều. Đây cũng là mô hình trình diễn thực tế để nhiều nông dân học tập, làm theo. Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng phổ biến mô hình này đến người dân và khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư mô hình điện năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất”, ông Bùi Văn Sơn cho biết thêm.

Mỹ Linh