Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam vừa cung cấp số liệu cập nhật về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước cũng như trên toàn thế giới.

Cụ thể, tại Việt Nam, đến sáng 30/10, đã 58 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Hiện, Việt Nam ghi nhận tổng cộng có 177 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 14.184 trường hợp.

{keywords}
Tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam và trên thế giới, những con số biết nói

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, tính đến thời điểm hiện tại, số ca điều trị khỏi ở nước ta là 1.062, số ca tử vong là 35 ca.

Trên thế giới, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 233.130 trường hợp tử vong trong tổng số 9.120.751 ca nhiễm, số ca nhiễm mới mỗi ngày cũng gia tăng ở hầu hết bang và số người chết trung bình mỗi ngày trên toàn nước Mỹ đã tăng 10% trong hai tuần qua.

Tiếp theo là Ấn Độ hiện ghi nhận 8.040.203 ca nhiễm và 120.563 trường hợp tử vong. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số trường hợp mắc là Brazil với 5.469.755 ca nhiễm (158.468 trường hợp tử vong).

Châu Âu hiện đang là tâm dịch của COVID-19 với tốc độ lây lan nhanh khó kiểm soát. Số ca bệnh mới trong 24 giờ được xác nhận ở châu Âu đã vượt qua số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ trong tháng 10. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong hàng ngày ở châu Âu tăng gần 40% trong tuần này so với tuần trước.

Trong đó, các nước Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Nga có số tử vong cao nhất. Pháp công bố lệnh đóng cửa toàn quốc lần 2 sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30/10, kéo dài một tháng và Đức áp đặt các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực từ 2/11, kéo dài hết cuối tháng sau, người dân được yêu cầu tránh tất cả việc đi lại không cần thiết.

Thông tin từ Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, tình hình thêm căng thẳng khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, vaccine COVID-19 (nếu có) sẽ chỉ đủ tiêm chủng cho một phần dân số trong khu vực trước năm 2022.

Các quốc gia châu Âu đã nới lỏng kiểm soát, mở cửa biên giới cho 15 nước ngoài khối, trong đó có 4 nước châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan từ tháng 7/2020, tuy nhiên, ngay sau đó 1 tháng, các quốc gia này đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Khu vực châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran với 588.648 trường hợp mắc (33.714 trường hợp tử vong), tiếp theo là Iraq ghi nhận 463.951 trường hợp mắc với 10.770 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, Trung Quốc bùng phát ổ dịch COVID-19 lớn nhất trong 4 tháng. Ngày 25/10, quốc gia này đã phát hiện 137 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 không triệu chứng tại Kashgar thuộc vùng Tây Bắc Tân Cương.

Một số quốc gia như Nhật Bản và Australia đã nới lỏng kiểm soát, mở cửa lại các hoạt động thương mại từ tháng 6/2020, tuy nhiên, ngay sau đó 1 tháng, các quốc gia này đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Tại Đông Nam Á, tính đến cuối ngày 29/10, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 400.483 trường hợp mắc, 13.612 trường hợp tử vong. Hiện, quốc gia này đã gia hạn các hoạt động công cộng quy mô lớn tại nhiều thành phố đến ngày 25/11.

Sau Indonesia là Philippines với tổng số 375.180 ca nhiễm, 7.114 trường hợp tử vong. Singapore là vùng dịch lớn thứ ba khu vực với 28 ca tử vong và 57.987 trường hợp nhiễm, quốc gia này đang có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp nhằm nỗ lực nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Như vậy, tính đến 16h30 ngày 29/10, đã ghi nhận 44,8 triệu ca mắc và 1.179.232 trường hợp tử vong do COVID-19 tại 218 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các số liệu mới nhất cho thấy, chỉ trong 24 giờ, thế giới có thêm 503.405 ca mắc và 7.216 ca tử vong. Điều đó cho thấy dịch COVID-19 trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại.

Khánh Vy