Tổng cục thống kê đã đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy lùi khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và ngay tại Việt Nam.

Khai thác và phát triển thị trường nội địa

Đầu tiên là giải pháp khai thác và phát triển thị trường nội địa. Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày - các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

{keywords}
Tổng cục Thống kê đề xuất 3 giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19

Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu của thị trường trong nước, trước hết là các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa.

Đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thiết yếu, vừa phục vụ quá trình chống dịch vừa thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất của các ngành hàng theo hướng tăng cường nội lực. Tập trung vào một số ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, thuốc chữa bệnh; ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động, như: các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, đóng tàu, phân bón.

Đẩy mạnh thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế. Khuyến khích và sử dụng thanh toán điện tử trong lĩnh vực thương mại. Hoàn thiện chính sách thuế đối với TMĐT nói riêng và kinh tế nói chung theo hướng hài hòa với các thông lệ quốc tế. 

Cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu

Thứ 2, Tổng cục thống kê đề xuất cần cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu. Cụ thể là khuyến khích, hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh COVID-19, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế.

Hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt các thị trường trong khuôn khổ EVFTA và CPTPP khi dịch bệnh được kiểm soát. 

Nhà nước cần nỗ lực hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh

Giải pháp thứ 3 là cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc một số ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như dệt may, kim loại chế tạo, ô tô cơ cấu lại nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh phụ kiện.

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Trong đó tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội thu hút chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh phụ kiện) từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tập trung chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm chế tạo, giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài như các ngành thép chế tạo, vải, vật liệu mới... Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai. Triển khai có hiệu quả các quy hoạch vùng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp ưu tiên, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm.

Tổng cục thống kê đề xuất cần phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng (cơ khí, chế tạo, năng lượng…), ngành chiến lược có lợi thế cạnh tranh (như công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, chế tạo thông minh...). Khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các tập đoàn kinh tế lớn trong nước trong lĩnh vực công nghiệp (cơ khí, chế tạo, điện máy…) có vai trò dẫn dắt phát triển ngành và có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số, đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt Nam.

Tuấn Anh, Quốc Tiến