Kế hoạch Ứng dụng CNTT giai đoạn 2020-2025:

Triển khai Đề án 501, Tổng cục Thống kê đã xây dựng các hồ sơ dự án hỗ trợ điều tra thống kê và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, với các nội dung cụ thể:

- Xây dựng trung tâm dữ liệu đầu vào: hình thành trung tâm dữ liệu đầu vào tập trung thống nhất trên cơ sở chuẩn hóa nghiệp vụ và công nghệ sử dụng. Tích hợp tất cả dữ liệu từ các nguồn điều tra, nguồn dữ liệu hành chính, từ nguồn chế độ báo cáo định kỳ và từ nguồn dữ liệu lớn;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu đặc tả thống kê (metadata) đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa dữ liệu. Metadata mô tả dữ liệu thống kê bao gồm các dữ liệu đặc tả của các cuộc điều tra trong các đơn vị, ngân hàng câu hỏi điều tra và bộ dữ liệu mô tả thống kê. Metadata về cấu trúc Cơ sở dữ liệu gồm mô tả cơ sở dữ liệu, thông tin các trường dữ liệu và luật logic thể hiện mối quan hệ giữa các trường dữ liệu. Dữ liệu danh mục dùng chung: các danh mục, dữ liệu dùng chung được quản lý tập trung và sử dụng chung giữa các ứng dụng.

{keywords}
Ảnh minh họa

- Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đồng bộ thống nhất, gồm bốn hạng mục chính: (i) Hệ thống thu thập thông tin điều tra CAPI, webform[1] và giám sát điều tra; (ii) Hệ thống tiếp nhận, chuẩn hoá, xử lý dữ liệu điều tra; (iii) Hệ thống Cơ sở dữ liệu tập trung để lưu trữ, khai thác và báo cáo thông kê, (iv) Hệ thống công bố thông tin.

- Xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hỗ trợ các công đoạn của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2025 từ khâu thu thập thông tin; xử lý, phân tích thông tin và phổ biến thông tin Tổng điều tra. Sử dụng phiếu điều tra điện tử trên 80% đối với đối tượng là hộ gia đình và trang trại, 100% đối với các đối tượng là doanh nghiệp và UBND xã, phường.

- Từng bước xây dựng các phần mềm CAPI và webform cho các điều tra hàng năm trong khâu thu thập thông tin điều tra.

- Xây dựng kho dữ liệu vi mô thống kê phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản: Chuẩn hoá hệ thống chỉ tiêu, dữ liệu theo các kỳ điều tra và hệ thống chủ đề dữ liệu thống nhất, các thông tin danh mục dùng chung; Có khả năng trích lọc, chuyển đổi, kết xuất, tích hợp dữ liệu từ các CSDL chuyên ngành của các đơn vị (nếu có) vào kho dữ liệu vi mô thống kê, cung cấp các công cụ thống kê, phân tích, dự báo liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội để hỗ trợ ra quyết định, xuất bản thông tin. Hỗ trợ trình bày hình ảnh hóa dữ liệu (GIS) sau khi người dùng trích xuất.

- Xây dựng hệ thống kết nối, trao đổi thông tin với Chính phủ và các bộ, ngành tạo môi trường kết nối liên thông để gửi, nhận thông tin, dữ liệu hành chính phục vụ nghiệp vụ sản xuất số liệu thống kê, trao đổi kết quả phổ biến thông tin thống kê giữa Tổng cục Thống kê với Chính phủ và các bộ, ngành. Hệ thống sử dụng nền tảng trục tích hợp dùng chung ESB của Chính phủ điện tử. Các dịch vụ này được tích hợp, vận hành, quản lý tập trung bởi hệ thống quản lý nền tảng trục tích hợp, phục vụ chung cho toàn bộ hệ thống các ứng dụng, CSDL khác bên trong và bên ngoài Tổng cục Thống kê.

- Xây dựng Cổng phổ biến thông tin thống kê công bố các số liệu báo cáo kinh tế - xã hội và dữ liệu thống kê của các cuộc điều tra, thuộc tất cả các lĩnh vực thống kê chuyên ngành theo nhiều hình thức hiển thị, khai thác. Cụ thể là ứng dụng hình ảnh hóa trực quan (infographic và visualization) và khai thác dữ liệu thống kê tùy biến theo phân quyền.

Một số yêu cầu về nghiệp vụ

Việc thực hiện chuẩn hóa quy trình, quy định nghiệp vụ cần tiến hành song song và hoàn thành trước khi thực hiện các dự án ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thống kê. Các chuẩn mực này sẽ được công bố và áp dụng cho các dự án trong và ngoài ngành Thống kê nhằm đảm bảo khả năng tích hợp thông tin trong quá trình xây cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung là thành phần cốt lõi của hệ thống thông tin thống kê quốc gia.

Chủ trương của Tổng cục trong thời tới sẽ chuyển dần các điều tra hiện nay sang ứng dụng CAPI và webform. Vì vậy, việc thiết kế phiếu điều tra cũng cần thay đổi cách tiếp cận từ phiếu giấy sang phiếu điện tử là người cung cấp thông tin sẽ trả lời lần lượt câu hỏi, bảng hỏi cần tránh các bảng biểu phức tạp nhất có thể. Cục Thống kê và Chi cục Thống kê cần chủ động trong việc tuyển chọn điều tra cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng tham gia. Để nâng cao tỷ lệ cung cấp thông tin qua webform thì đòi hỏi công việc tuyên truyền từ cấp Trung ương tới địa phương cần vào cuộc thực hiện một cách sâu rộng.

Hoàng Đức, Duy Tuấn