Tại hội nghị Hội đồng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN lần thứ 35 (AFTA 35) tổ chức trực tuyến sáng 8/9/2021, Bộ trưởng Kinh tế của 11 quốc gia thành viên ASEAN đã tổng kết tình hình thực thi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và trao đổi về các công việc cần triển khai trong thời gian tới.

Đến nay, theo cam kết của Hiệp định ATIGA, các nước ASEAN đã thực hiện xóa bỏ thuế quan với tỷ lệ trung bình là 98,6% tổng số dòng thuế trong năm 2021; trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trung bình của các thành viên ASEAN-6 gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan là 99,3% và 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là 97,7%.

{keywords}
Ảnh minh họa

Với mục tiêu tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy định về quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định ATIGA; đồng thời, giải quyết các vướng mắc còn tồn tại hiện nay trong quá trình cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, các Bộ trưởng đã thông qua quy định sửa đổi một số điều khoản trong Thủ tục cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa (OCP) thuộc Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định ATIGA.

Riêng với việc xử lý các biện pháp phi thuế quan trong ASEAN, hội nghị ghi nhận, trong năm vừa qua, dưới sự chủ tọa của Việt Nam tại Ủy ban Điều phối Thương mại Hàng hóa ASEAN, việc xử lý các vấn đề liên quan đến các biện pháp phi thuế quan tồn đọng đã đạt một số tiến bộ.

Cơ chế giải quyết các vấn đề phi thuế quan được tinh giản, một số sáng kiến mới bắt đầu được thảo luận.

Trong bối cảnh nền kinh tế ASEAN đang đối mặt với các thách thức do dịch COVID-19, các Bộ trưởng cho rằng, việc nâng cấp Hiệp định ATIGA được xây dựng để có thể đóng góp tích cực vào quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN; thúc đẩy thương mại nội khối, phát triển chuỗi cung ứng khu vực, góp phần hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam hoan nghênh những thành quả đạt được trong công tác xử lý các biện pháp phi thuế quan của ASEAN và cho rằng, với việc ASEAN đã xóa bỏ 98,6% tổng số các dòng thuế trong Hiệp định ATIGA, việc nâng cấp Hiệp định ATIGA cần phải hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các lợi ích của hiệp định thông qua việc giảm chi phí tuân thủ và tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua việc bổ sung 107 mặt hàng nông sản, thực phẩm vào Danh mục hàng hóa thiết yếu ASEAN thuộc diện điều chỉnh của Biên bản ghi nhớ về xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch COVID-19 được ký kết trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Qua đó, nâng tổng số mặt hàng trong Danh mục này lên 257 mặt hàng.

Bạch Hân