Sáng 19/6, UBND TP. HCM đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại khu công nghệ cao TP.HCM (phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức).

{keywords}
Ảnh minh họa. Tuấn Kiệt

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, "để ngăn chặn, chống lây lan dịch Covid-19, thông điệp 5K được phổ biến ở mọi nơi trên thế giới nhưng chưa đủ. Giải pháp căn cơ nhất để dịch Covid-19 được đẩy lùi là vắc xin".

"Đây không chỉ là sự quan tâm lớn của Ban Chỉ đạo quốc gia đối với TP.HCM mà còn là sự chia sẻ với nhân dân, chính quyền các cấp. Thành phố cần phát huy kinh nghiệm những đợt tiêm chủng trước đây để triển khai tiêm đúng đối tượng, đạt mức an toàn cao nhất", ông Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cho rằng, số người ưu tiên tiêm vắc xin của TP.HCM là 2,3 triệu người, trong khi lượng vắc xin hiện nay chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 sẽ cố gắng đem những liều vắc xin quý giá về và thúc đẩy triển khai tiêm trên cả nước.

Bên cạnh đó, ông Bình lưu ý, dù đã tiêm vắc xin, người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm những quy định phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là quy tắc 5K.

Theo Phó Thủ tướng, tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, điểm khác biệt là chỉ lây nhiễm ở mức nhẹ, không có triệu chứng nặng.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thành phố với tốc độ triển khai chỉ trong 7 ngày. Sau chiến dịch này, thành phố sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có những quyết sách quan trọng tiếp theo.

Theo đó, thành phố sẽ tổ chức 650 điểm tiêm trong cộng đồng mỗi ngày tại các trung tâm y tế, trạm y tế, điểm tiêm lưu động. Để đảm bảo giãn cách, mỗi điểm sẽ tiêm cho khoảng 200 người mỗi ngày.

Theo ông Hưng, nếu thực hiện đúng tiến độ, thành phố sẽ tiêm cho khoảng 200.000 người mỗi ngày. Thành phố dự kiến hoàn tất chiến dịch tiêm chủng trước ngày 27/6.

Để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho chiến dịch, ngành y thành phố sẽ huy động tổng lực các đơn vị tiêm chủng đủ điều kiện thực hiện như Viện Y học dự phòng quân đội phía Nam, Cục Quân y, các bệnh viện tuyến Trung ương, công lập, ngoài công lập, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm và trạm y tế cơ sở...

"Mặc dù triển khai thần tốc, quyết liệt nhưng mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống Covid-19. TP sẽ thực hiện theo phương châm tiêm tới đâu an toàn tới đó", đại diện Sở Y tế TP nhấn mạnh.

Cụ thể, các điểm tiêm chủng sẽ khám sàng lọc đầy đủ trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Những trường hợp chống chỉ định, cần thận trọng sẽ được khám chuyên khoa tại bệnh viện. Ngoài ra, ngành y sẽ giám sát chặt chẽ, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm qua thời gian theo dõi.

Để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, Sở Y tế TP đã gửi công văn hỏa tốc tới các cơ sở tiêm chủng yêu cầu cử hơn 1.000 đội tiêm tham gia tập huấn. Mỗi đội tiêm sẽ gồm 5 người, có nhiệm vụ khác nhau.

Trước đó (sáng 17/6), lô hàng hơn 800.00 liều vắc xin phòng Covid-19 đã được chuyển tới TP.HCM. Lượng vắc xin này nằm trong số gần 1 triệu liều được Nhật Bản tặng Việt Nam.

Trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại TP.HCM, khoảng 786.000 liều sẽ được tiêm cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.

Ngoài ra, khoảng 50.000 liều được tiêm cho lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn.

Bảo Phùng