Hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP tiếp tục đà phục hồi, các ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực phát triển của toàn ngành công nghiệp TP.

Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 năm 2020 tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020 nên lũy kế 11 tháng/2020 chỉ số IIP giảm 4,4% (cùng kỳ tăng 7,4%), tuy nhiên 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng 0,4% (cùng kỳ tăng 6,2%), đây là điểm đáng khích lệ trong điều kiện tình hình sản xuất kinh doanh còn rất nhiều khó khăn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều DN cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tập trung tái cơ cấu lại sản xuất, thị trường để duy trì và hồi phục được sản xuất một cách nhanh nhất có thể.

Để hỗ trợ các DN ngành sản xuất công nghiệp nói chung và ngành CNHT nói riêng, thời gian quan TP cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ DN như liên kết các hiệp hội ngành nghề để tăng cường giao thương, gia tăng các hoạt động kết nối trực tuyến, sàn thương mại điện tử cho DN, kết nối ngân hàng và DN để giải quyết khó khăn về vốn.

Tạo động lực phát triển DN trong thời gian tới, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sở đã tham mưu UBND TP tiêu chí, danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng giai đoạn 2021- 2025.

Ngành Công Thương cũng triển khai hoạt động các hội đồng phát triển các ngành công nghiệp thành phố; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí- tự động hóa, cao su- nhựa, chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020- 2030. Trong đó, với ngành cao su- nhựa đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm. Thành lập Trung tâm Nghiên cứu, thí nghiệm và Kiểm nghiệm sản phẩm ngành cao su- nhựa đạt chuẩn quốc tế; đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, nhựa phân hủy sinh học, nhựa y tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Với ngành cơ khí, xác định danh mục sản phẩm cơ khí- tự động hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh, thay thế sản phẩm nhập khẩu và hình thành một số DN giao công nghệ nhằm hiện đại hóa máy móc, thiết bị và trình độ công nghệ cho các DN của ngành trên địa bàn. Hình thành các chuỗi sản xuất, phát triển sản phẩm, phụ tùng cho sản phẩm cơ khí nông nghiệp, ô tô và thiết bị nâng hạ, kết cấu thép, kết cấu hạ tầng giao thông, cầu cảng, đường sắt, metro và ngành chế tạo máy móc thiết bị tự động phục vụ cho các ngành công nghiệp.

Với ngành chế biến thực phẩm, sẽ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm, bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường trong ngành chế biến thực phẩm; xây dựng và quảng bá một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đang tham mưu, đề xuất với UBND thành phố các chính sách kích cầu đầu tư cho các DN công nghiệp hỗ trợ giai đoạn mới từ năm 2021 thay cho Nghị quyết 16 của thành phố giai đoạn 2018- 2020 sắp hết hạn.

Nhằm tận dụng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do như EVFTA, RCEP... UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn, tập huấn về hiệp định này cho các DN. Thành phố cũng đang chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn những tập đoàn đa quốc gia có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, thu hút những nhà đầu tư trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng công nghệ cao, CNHT, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ DN đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoài Bắc, Tuệ Minh