Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động kịp thời tổ chức thực hiện đồng bộ công tác chống dịch. Thực hiện có hiệu quả phương châm “tạm dùng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Giáo viên, học sinh, phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn cả về đời sống và trong hoạt động học tập. Việc học trực tuyến trong thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh.

Ở nước ta, một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội. Trong đó có học sinh, sinh viên và nhà giáo đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần; học sinh ở nhiều nơi chưa được tựu trường.

Thực tiễn phát triển giáo dục và đào tạo ở địa phương cũng cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như việc quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa… Trong khi, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức khó lường.

{keywords}
Học sinh ở nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội đang học trực tuyến (ảnh: An Nhiên)

Tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu địa phương đang có dịch và thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg trước mắt tổ chức dạy học trực tuyến; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp sách giáo khoa (cả bản điện tử) đầy đủ, thuận lợi cho học sinh khi bước vào năm học mới, nhất là tại các địa phương tổ chức học trực tuyến. Hướng dẫn xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp.  

Trong thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2021-2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết, trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.

Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung, do vậy đã bị ngắt quãng việc học.

Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần lưu ý có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. 

“Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành giáo dục và tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc viết.

Đề cập tới câu chuyện chuyển đổi số trong ngành giáo dục và học trực tuyến nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2021 - 2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng gia đình. Hiện nay còn gần 2.000 điểm lõm sóng trên toàn quốc, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ không còn điểm nào.

Thực tế, bên cạnh việc chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cung cấp các gói cước truy cập Internet giá rẻ và các gói thuê bao đường truyền Internet giảm giá phục vụ các trường, giáo viên, học sinh, sinh viên học trực tuyến, Bộ TT&TT đã hiệu triệu các doanh nghiệp tích cực phát triển các ứng dụng công nghệ số để giúp cuộc sống tiếp tục diễn ra theo cách không tiếp xúc.

Nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến đã được các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam triển khai và cung cấp tới các trường học. Tiêu biểu như: Viettel Study, VNPT E-Learning; AIC Học trực tuyến; Hệ thống VioEdu (vio.edu.vn) hỗ trợ học tập môn Toán các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 12; OLM.VN; Thanhedu.vn; Bigschool.vn…

Bộ TT&TT được giao ban hành hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng.

Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp phục vụ giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các trường, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Hà Giang