Hưởng ứng sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều 31/3, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức Lễ khánh đản đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu nguyện quốc thái dân an và phát động Tết trồng cây.

Hàng ngàn cây xanh đã được tăng ni sinh, phật tử trồng trong khuôn viên Học viện. Nơi đây được xây dựng thành một vườn thượng uyển phủ xanh các loại cây trồng, giúp chống xói mòn rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn và tạo điểm nhấn cho quần thể Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Gióng-tượng Gióng-chùa Non, qua đó nhân rộng ý thức cho bà con phật tử và nhân dân trong khu vực tinh thần bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu.

trongcay.png

Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ Đức Phật đã chọn rừng xanh là nơi đản sinh, xuất gia, thành đạo và nhập Niết bàn.

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Ngài đã đứng yên bất động trong một tuần chỉ để nhìn cây bồ đề để biểu lộ lòng biết ơn đối với cội cây đã che chở mưa nắng cho Ngài trong suốt thời gian tu tập. Đó là một bài học vĩ đại về lòng biết ơn mà Đức Phật gửi lại cho muôn đời và người đệ tử Phật.

Trồng cây xanh là đang tạo lại môi trường sống. Mỗi người nên hiểu được tầm quan trọng của rừng, rừng sẽ giữ được nước ngầm, chống được hạn hán, lũ lụt. Nhờ có rừng, nước được giữ lại trên bề mặt, không bị tụt sâu vào lòng đất. Nước trên bề mặt rất cần cho sự sống con người cũng như tất cả những sinh vật trên trái đất. Việc tạo lại rừng cây cũng giúp nâng cao tâm hồn con người, nếu có nhiều rừng cây xanh, đời sống tâm hồn con người sẽ thay đổi, sẽ tốt hơn rất nhiều.

"Cây xanh không chỉ giúp con người duy trì sự sống mà còn có sự tương tác với con người trên lĩnh vực tâm linh. Sống giữa một thế giới ít cây xanh, tâm hồn con người cũng sẽ cằn cỗi, khô khan. Vì vậy, đến một nơi có nhiều cây xanh, chúng ta có cảm giác con người sống ở đó hiền lành, tử tế," Hòa thượng Thích Thanh Quyết nhấn mạnh.

Trần Thường