Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (một tổ chức khoa học kỹ thuật phi lợi nhuận, với sứ mệnh trao quyền và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nhằm tạo dựng một tương lai nơi con người sống hoà hợp với Trái đất) cho biết, nếu như trước đây, phải vài trăm năm, hay vài chục năm mới có một đại dịch, thì chỉ từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước đến nay, chúng ta đã trải qua 9 đại dịch kinh hoàng, gồm: Marburg (1967), Ebola (1976), Nipah (1999), Sars (2002), H5N1 (2003), Mers (2012), H7N9 (2013), H1N1 (2009), COVID-19 (2019).

{keywords}
Trồng rừng góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch và phát triển bền vững

Tính đến ngày 31/12/2017, nước ta có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381 ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.  

Với sự nỗ lực của Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, người dân địa phương và đặc biệt là sự giám sát của đội ngũ Gaia, 2.000 cây gỗ lớn bản địa thuộc 7 loài, gồm chiêu liêu, giáng hương, ươi, dầu, gõ đỏ, gõ mật, bằng lăng đã được trồng thành công.

Khu rừng sẽ tiếp tục được Gaia phối hợp với Khu Bảo tồn chăm sóc và giám sát trong 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Báo cáo giám sát khu rừng sẽ được cập nhật hàng năm và gửi đến các đơn vị, cá nhân tài trợ khu rừng. Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều đơn vị các nhân, chung sức trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo”do Gaia phát động vào tháng 6 vừa qua. Ngoài trồng rừng, chiến dịch còn có nhiều nội dung truyền thông trên các trang mạng xã hội nhằm giúp công chúng hiểu rõ về đại dịch và vai trò của việc trồng rừng, phục hồi thiên nhiên trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia cho rằng, phục hồi thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo: “Việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động, thực vật hoang dã, do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch cho con người”.

Trần Thường