Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên đàn lợn, thời gian qua, xã Trung Thành (Vị Xuyên, Hà Giang) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, tuyền truyền tới người chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh.

{keywords}
Muốn lợn lớn nhanh, không mắc bệnh dịch, chuồng trại phải được che chắn cẩn thận, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên và nguồn thức ăn phải luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Cuối năm ngoái, xã Trung Thành xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại thôn Minh Thành và thôn Cuôm. Là hộ chăn nuôi lợn lâu năm với quy mô lớn tại thôn Minh Thành, năm vừa rồi dù nhà gần với hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn, song đàn lợn của gia đình ông Trần Văn Hà vẫn phát triển tốt nhờ thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Hà chia sẻ: Muốn lợn lớn nhanh, không mắc bệnh dịch, chuồng trại phải được che chắn cẩn thận, dọn dẹp vệ sinh thường xuyên và nguồn thức ăn phải luôn được kiểm soát chặt chẽ.

Hiện, ông Hà đang tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại để mở rộng diện tích khu chăn nuôi. Qua việc kiểm soát và chăm sóc đàn lợn nghiêm ngặt, bình quân mỗi lứa gia đình ông xuất chuồng từ 7-8 tấn thịt lợn hơi, với giá thành từ 90 đến 110 nghìn đồng/kg. Xã Trung Thành hiện có tổng đàn lợn trên 7.000 con. Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Ngoài ra, xã cũng yêu cầu hộ chăn nuôi nghiêm túc chấp hành việc không mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc bị bệnh nhằm hạn chế việc lây lan dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Anh Chương Đức Kiên, Thôn Thùy Lâm, với quy mô trên 50 con lợn, chuồng trại được xây dựng khép kín, che chắn cẩn thận, hạn chế tối đa côn trùng lạ xâm nhập. Nhờ vậy, đàn lợn của anh luôn khỏe mạnh, không mắc dịch bệnh và có lượng thịt sạch cung ứng ra thị trường.

Anh Kiên tâm sự: Thông qua các đợt tuyên truyền về cách phun khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại, tôi đã có thêm kinh nghiệm trong việc vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh. Hiện, việc phun khử khuẩn và rắc vôi bột được anh Kiên thực hiện thường xuyên, nhờ vậy, đàn lợn của gia đình anh không nhiễm dịch bệnh.

Để đảm bảo đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, tránh được dịch bệnh, UBND xã Trung Thành đã rà soát, khuyến cáo người chăn nuôi phải lựa chọn các con giống chặt chẽ, không nhập con giống ngoài tỉnh và không rõ nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới bà con nhân dân xây dựng chuồng trại đảm bảo, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Các hộ chăn nuôi nên sử dụng thức ăn chăn nuôi an toàn, tăng cường sức đề kháng cho lợn. Chủ động tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn, lở mồm, long móng… Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi ứng dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi…

Lãnh đạo xã Trung Thành, cho biết: Thời gian tới, tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để tránh thiệt hại; triển khai các biện pháp an toàn sinh học bảo vệ đàn lợn… Trong trường hợp phát hiện lợn có hiện tượng bỏ ăn, bị bệnh phải cho cách ly và báo cho chính quyền xã để xử lý kịp thời.

Bích Hạnh