Trước khi làm chủ giám đốc một hợp tác xã dịch vụ với nhiều sản phẩm nông nghiệp ở Xã Quang Thành, (Hải Hà, Quảng Ninh), ông Quế chỉ là một thanh niên nông thôn, không có nhiều điều kiện học tập, ông phải nghỉ học giữa chừng và ở nhà phụ giúp gia đình…

Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời ông là năm 2015, ông được Hội Nông dân huyện Hải Hà tạo điều kiện cử đi tham quan, học tập một số mô hình sản xuất của hộ kinh doanh giỏi.

“Đây cũng chính là cơ hội giúp tôi mở tầm mắt, từ đó nghĩ ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương này”, ông nói.

Sau chuyến tham quan, học tập, ông Quế mạnh dạn đưa giống lúa gạo lức về trồng thử nghiệm ở địa phương.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc HTX dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Quang Hải. 

Ông Quế cho hay, thời gian đầu ông vận động được 15 hộ trồng giống lúa gạo lức với tổng diện tích 1,7ha. Nhờ sự giúp đỡ về kỹ thuật, phòng tránh sâu bệnh của Hội Nông dân huyện, năng suất trồng giống lúa gạo lức của các hộ dân đạt rất cao.

Vậy nhưng ngày đó, việc tiêu thụ lại hết sức khó khăn vì chưa ai hiểu rõ được chất lượng của giống lúa này. Đúng lúc khó khăn, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ông  tiếp cận được với các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

“Có tiền, tôi đã phải đứng ra nhận mua  giống lúa và đem bán giúp bà con. Để tạo điều kiện cho những hộ sản xuất lúa có thêm động lực, tôi nghĩ tới việc cần phải thành lập một hợp tác xã để thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho bà con”, ông Quế nhớ lại.

Năm 2019, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp của ông Quế được thành lập. Lúc này HTX gồm 7 thành viên, với 24 ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, HTX đã liên kết với các hộ dân tại thôn Hải Tiến, xã Quảng Thành trồng được 2,7 ha lúa gạo lức theo hình thức: Hợp tác xã cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho các hộ dân.

Sau khi các hộ dân thu hoạch, HTX đã tiến hành thu mua toàn bộ thóc của các hộ dân để sản xuất gạo lức. Trong đó thực hiện quy trình xay xát, đóng gói, xây dựng mẫu mã bao bì sản phẩm gạo lức và đăng ký tham gia sản phẩm OCOP. Vì vậy mỗi năm, HTX đưa ra thị trường từ 4.000-5.000 kg gạo lức.

Ông Quế cho rằng, “kinh nghiệm mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, nhưng làm nghề gì thì đi sâu vào nghề đó. Bản thân tôi luôn biết rằng muốn thành công phải có kiến thức, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.

Chính vì vậy, tôi luôn ủng hộ và động viên con cái trong gia đình cũng như các hộ thành viên trong Hợp tác xã phải tích cực ứng dụng tiến hộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì sẽ đạt được năng suất, hiệu quả cao”.

Cùng với hoạt động liên kết, sản xuất gạo lức, HTX đã liên kết với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, là đầu mối thu mua và trung chuyển sản phẩm OCOP cung cấp cho một số Trung tâm, điểm bán hàng OCOP tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

 Đặc biệt, HTX còn là đầu mối đưa các sản phẩm OCOP của huyện tham gia các hội chợ OCOP thường niên của tỉnh, các hội chợ giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thị xã của tỉnh.

Nhờ đó, đến nay, sản phẩm gạo lức của HTX dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp Quang Hải đã được nhiều người biết đến.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống cho các thành viên trong HTX, ông Quế còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, các chương trình của huyện. Đồng thời, ủng hộ các loại quỹ do Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức phát động…. lên tới hàng chục triệu đồng.

Hỏi ông Quê có liều không, khi mà kiếm được bao nhiêu tiền ông đầu tư cho bà con nghèo nơi đây . Ông cười bảo: “Cùng là bà con trong xã thân quen với nhau nên giúp nhau được gì thì tôi giúp nhiệt tình…”.

Hồng Hạnh
Ảnh: Phạm Thiện