Tổng kết 1 năm triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Trần Văn Nam cho hay: 

Trên cơ sở quy định về nhiệm vụ Cảnh sát biển (khoản 5 Điều 8) và nội dung, trách nhiệm phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (khoản 6 Điều 24), Cảnh sát biển đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng Đề án số 8692/ĐA-BQP ngày 12/8/2019 về tuyên tuyên, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 phê duyệt, đồng thời tham mưu ban hành kế hoạch, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng để triển khai thực hiện Đề án theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thiết thực triển khai thực hiện Đề án Tuyên tuyên, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát động Cuộc thi tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong toàn Lực lượng, thu hút số lượng lớn cán bộ, chiến sĩ tham gia.

{keywords}
 Cán bộ, chiến sỹ Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh CSB

Song song với đó, các cơ quan đơn vị cũng đẩy mạnh hoạt động công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ cũng như cán bộ, Nhân dân trên địa bàn đóng quân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sát tình hình thực tiễn.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật đến Nhân dân cả nước; đẩy mạnh ký kết, mở rộng triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; thực hiện tốt công tác dân vận “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”; tổ chức 96 buổi tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển, về các quy định chống khai thác IUU, chỉ dẫn khu vực đánh bắt, kỹ năng tìm kiếm, cứu nạn và kênh liên lạc, đường dây nóng khi gặp sự cố trên biển cho 24.502 lượt cán bộ, Nhân dân, ngư dân, học sinh và 980 phương tiện tàu thuyền trên các địa bàn; phát 19.920 tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng...

Năm nội dung, giải pháp cho tình hình mới

Dự báo tình hình thế giới, khu vực sẽ có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp khó lường,  xuất hiện nhiều tình huống mới về các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống trên biển; hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo, các hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, mất an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường biển vẫn chưa có chiều hướng giảm... Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam:

Với vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng trong cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển phải gánh vác trách nhiệm ngày một nặng nề, khó khăn hơn.

Để tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong những năm tiếp theo, Lực lượng Cảnh sát biển cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế và nhiệm vụ Cảnh sát biển trong hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo Tổ quốc.

Luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nghiêm quy định, điều lệnh, điều lệ quản lý bộ đội và kỷ luật, nội quy của đơn vị; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì tốt chế độ trực trên các vùng biển trọng điểm; nhạy bén trong thực hiện nhiệm vụ, tránh mắc mưu các đối tượng; nâng cao năng lực quản lý tình hình mặt biển, theo dõi nắm bắt kịp thời, dự báo chính xác tình hình an ninh, chủ quyền trên biển để chủ động làm tốt công tác tham mưu cho thủ trưởng các cấp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống trên biển.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển nâng cao năng lực, chất lượng công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm trên biển, nhất là ở các địa bàn, tuyến, vùng biển trọng điểm.

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa và đấu tranh, trong đó phòng ngừa là chính; giữa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền với đấu tranh chống vi phạm, tội phạm; giữa đấu tranh chống vi phạm, tội phạm với công tác bảo vệ nội bộ. Làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng hoạt động trên biển như Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư, Công an, Hải quan, các quân khu ven biển,... phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

{keywords}
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát tờ rơi, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Ba là, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho Lực lượng Cảnh sát biển thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trước mắt tập trung vào Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Tạm giam, tạm giữ và hệ thống các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023, lồng ghép với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố ven biển. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Bốn là, tiếp tục tập trung đầu tư đóng mới tàu thuyền, mua sắm phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đồng bộ phù hợp yêu cầu đặc thù của Lực lượng; ưu tiên đóng mới tàu Cảnh sát biển hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, biên chế theo chức năng, nhiệm vụ và sự phát triển của Lực lượng, bảo đảm lộ trình chặt chẽ, vững chắc, theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp thực tiễn; bám sát phương châm “trang bị, phương tiện phát triển đến đâu, biên chế quân số đến đó”, bảo đảm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; triển khai xây dựng Đề án tổ chức, sắp xếp lại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển và tham mưu cho Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt theo quy định.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có vùng biển giáp ranh với vùng biển Việt Nam; phát huy hiệu quả các đường dây nóng mà Cảnh sát biển Việt Nam đã ký kết với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước; tranh thủ sự giúp đỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và các nguồn lực quốc tế khác để nâng cao năng lực, tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đối với khu vực và thế giới.

Hồ Thị Nhụy
Ảnh: Duy Linh