Bảo đảm lưu thông “máu” cho nền kinh tế thị trường đang “xuống sức”

Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh biến chuyển rất mạnh và bất thường. Xuất hiện những biến chủng virus mới, độc hại và lây lan nhanh, theo cách khó lường. 

{keywords}
Hành động quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, sẽ đạt được “mục tiêu kép” một cách thực chất.

Bàn cách vượt qua khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Tiến sĩ Võ Chí Thành cho rằng:

Chính phủ đã căn cứ vào tình thế thay đổi để điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt và quyết liệt. Đây là khía cạnh nổi bật nhất trong hoạt động điều hành của Chính phủ mấy tháng vừa qua.

Có thể khái quát mấy điểm chính sau:

Thứ nhất, đứng trước tình thế “là quốc gia đi đầu trong chống dịch”, nhưng có thể lại “thoát dịch muộn nhất”, Chính phủ đã tập trung nỗ lực chuyển hướng mục tiêu sang miễn dịch cộng đồng sớm bằng cách huy động tối đa sức mạnh cộng đồng trong việc nhập khẩu và tổ chức tiêm vắc xin đại trà.

Thứ hai, tập trung chống dịch cho các “tọa độ ưu tiên” - những nơi có độ rủi ro dịch bệnh cao, những địa bàn xung yếu. Nhờ đó, dịch bệnh ở các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh được khống chế sớm, nền kinh tế không bị đứt gãy. Kinh nghiệm đang được mở rộng áp dụng để chống dịch ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Phải công bằng đánh giá rằng cách điều hành linh hoạt nhưng quyết đoán, quyết liệt của Chính phủ đang mang lại kết quả tích cực, tạo niềm tin và sức “kháng thể” mạnh cho xã hội. 

Thứ ba, đôn đốc mạnh, giám sát chặt, điều chỉnh linh hoạt các biện pháp chống dịch ở cả cấp trung ương - toàn quốc và cấp địa phương, phối hợp các giải pháp chống dịch với các biện pháp bảo vệ lưu thông kinh tế. Cách tiếp cận mới này (xin lưu ý: “mới ta” thôi) đang được triển khai, vẫn còn gặp nhiều lúng túng và trục trặc trong điều hành ở cấp địa phương, dẫn tới cho các biện pháp hành chính chi phối, lấn át yêu cầu bảo đảm lưu thông “máu” cho nền kinh tế thị trường đang “xuống sức”.

Phải xác định cho đúng trụ cột của nền kinh tế để tăng cường hỗ trợ

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt hiệu quả trong điều kiện ngân sách nhà nước cũng gặp khó, cần thống nhất trước mấy điểm.

Thứ nhất, dịch Covid là một tai họa. Để thoát khỏi nó thì nền kinh tế và doanh nghiệp phải trả giá. Việc một số doanh nghiệp không trụ được, phải đóng cửa là khó tránh khỏi. 

Thứ hai, lúc nền kinh tế gặp khó khăn, mục tiêu tối cao phải là cứu nền kinh tế, là nền kinh tế đứng dậy được trong dịch và sau dịch chứ không phải là tất cả doanh nghiệp an toàn. Mục tiêu này còn gay gắt hơn cho một nền kinh tế có độ mở cửa và cạnh tranh quốc tế cao. 

Cho đến nay, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, đặc biệt là những giải pháp giải tỏa khó khăn chung cho tất cả các doanh nghiệp - giãn, hoãn, giảm thuế, miễn - giảm nhiều loại phí, hạ lãi suất cho vay, giãn nợ v.v... 

Những giải pháp này đã có tác động tích cực.

Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra là phải phân bổ nguồn lực cứu trợ khan hiếm thế nào để đạt mục tiêu cứu doanh nghiệp và giúp nền kinh tế phục hồi, “đứng dậy” được.

Tất nhiên, lúc ngân sách khó, để đạt mục tiêu “cứu” nền kinh tế, không thể đặt vấn đề hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp theo kiểu “chia đều bát cháo cho cả làng đang đói”. Chia đều cháo thì có vẻ là công bằng, hợp đạo lý. Nhưng trong tình huống khó khăn kéo dài, các đối thủ cạnh tranh đang sẵn sàng đứng dậy thì cách làm đó sẽ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ tất cả cùng yếu và nền kinh tế khó có thể đứng dậy, chưa nói đến việc đứng dậy sớm để chớp thời cơ bứt phá.

Với tinh thần coi sự phục hồi của nền kinh tế là mục tiêu tối cao, tôi cho rằng ngoài những giải pháp hỗ trợ chung cho tất cả doanh nghiệp như đã nêu ở trên, việc phân bổ ngân sách cứu trợ cần tập trung cho những trụ cột, có thể giúp nền kinh tế trụ vững và vươn dậy. Cách tiếp cận này không có ý đồ và không được lợi dụng cho mục tiêu “lợi ích nhóm” hay lợi ích “sân sau”. 

Tất nhiên, phải xác định cho đúng trụ cột của nền kinh tế. Đó có thể là một số chuỗi sản xuất quan trọng. Có thể là một số doanh nghiệp có sứ mệnh quốc gia. Có thể là những trung tâm tăng trưởng - đô thị lớn hay khu công nghiệp tập trung … - có vai trò quyết định. Không khó để xác định những yếu tố này. Tuy nhiên, trên thực tế, nêu không rõ tiêu chuẩn, tiêu chí và động cơ xác định “trụ cột”, rất dễ để lợi ích “sân sau”, lợi ích nhóm len vào làm hỏng những ý định chính sách tốt đẹp. 

 

Thứ hai, nền kinh tế thế giới hậu Covid sẽ có định hướng công nghệ cao và kinh tế số rất mạnh. Đó sẽ là những xu hướng quyết định triển vọng các nền kinh tế quốc gia và các doanh nghiệp. Việt Nam phải ráo riết chuẩn bị năng lực cho nền kinh tế này. Nếu không, lại lỡ nhịp, lại tụt lại với lực lượng kinh tế “đời cũ” được “bảo tồn”.

Các nền kinh tế đang phục hồi khá hiện nay (trong dịch và sau dịch) đều đi theo logic này. Họ không quá chú trọng bảo tồn nền kinh tế cũ bằng cách chỉ tập trung cứu các doanh nghiệp “truyền thống” mà ưu tiên xây dựng các động lực tăng trưởng mới, là khu vực công nghệ cao và kinh tế số. 

Covid-19 là tai họa. Nhưng không được phép lãng phí nó. Chúng ta cần chớp thời cơ để chuyển mạnh nền kinh tế vật thể sang nền kinh tế số.

Với các ngành khác, đặc biệt như hàng không, du lịch cũng cần có cách tiếp cận mới theo tinh thần như vậy. Không phải là “thiên vị”, “cục bộ” mà là phải biết tập trung nguồn lực khan hiếm vào đúng chỗ, đúng lúc. Có như vậy, dù có tổn thất, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ vươn dậy sớm, tận dụng được những lợi thế quan trọng mà chúng ta đang có.

Thứ ba, tiếp tục tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đây là công việc đã được Chính phủ làm tốt trong nửa cuối năm 2020. Sang năm 2021, tiến độ bị chậm lại. Có những lý do chính đáng để giải thích tình hình này - dịch bệnh khó khăn, chuyển giao Chính phủ v.v... Nhưng mấu chốt vẫn là những trở ngại bên trong hệ thống cơ chế và bộ máy. 

Bây giờ, cần khôi phục động thái giải ngân tích cực của năm ngoái. Chính phủ mới vẫn coi thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một giải pháp căn cơ trong tình hình hiện nay. Và ngay từ đầu, Thủ tướng đã đặt vấn đề rất quyết liệt - cắt giảm mạnh số lượng dự án đầu tư công để tập trung vốn và tăng tốc giải ngân. 

Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường. Chúng ta đang trong tình thế đó. Chính phủ và Quốc hội cần coi đây là một cơ hội để giải tỏa những vướng mắc “cổ truyền”, đang gây tắc nghẽn, đã bị lộ diện nhưng lâu nay không tháo gỡ được vì “quy trình phức tạp”, vì “thủ tục chồng chéo” và vì “lợi ích xung đột”. Cách tiếp cận “khác thường” thực chất là tư duy đổi mới, cải cách, mượn tình thế để giải quyết tồn đọng cũ. 

Tôi vẫn tin rằng một Chính phủ với cách tiếp cận “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biết hành động quyết liệt và linh hoạt trong điều hành, sẽ đạt được “mục tiêu kép” một cách thực chất.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Trung Kiên (ghi)