Với nguyên tắc hoạt động “3 tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc) và “3 cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng), những nông hội ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai) bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cùng nhau xóa đói giảm nghèo.

Ông Đinh Văn Hương, phó Chủ nhiệm Nông hội trồng lúa thôn Đà Bắc chia sẻ, nông hội được thành lập ngày 3/12/2019 với 33 hội viên, canh tác hơn 30 ha lúa. Các hội viên đều tự nguyện tham gia nông hội với mục đích học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trước đây, năng suất lúa bình quân trên địa bàn thôn Đà Bắc đạt khoảng 7 - 8 tấn/ha. Nhưng khi tham gia nông hội, nhờ các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mùa này, năng suất lúa ước đạt 9-10 tấn/ha.

{keywords}
Nhưng khi tham gia nông hội, nhờ các hội viên chia sẻ kinh nghiệm, năng suất lúa ước đạt 9-10 tấn/ha. 

Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn xã gieo trồng 429 ha lúa, tập trung ở các thôn: Đà Bắc 95 ha, Phố Hiến 55 ha, Lũng Vân 54 ha, Bắc Thái 60 ha, Hòa Bình 40 ha... Nguồn nước tưới được dẫn từ đập dâng Ia Lâu, hồ chứa Plei Pai. Nhiều năm trở lại đây, do chủ động lịch gieo trồng sớm nên diện tích lúa Đông Xuân của xã không bị khô hạn. Thay vì gieo trồng như các địa phương khác, cuối tháng 10, người dân trong xã đã chuẩn bị cho vụ Đông Xuân và đến khoảng giữa tháng 11 thì gieo sạ xong. Hiện xã đang quy hoạch xây dựng cánh đồng lúa lớn ở thôn Đà Bắc vì thôn này có diện tích lúa lớn nhất xã với 95 ha.

Ia Lâu là xã đầu tiên của huyện Chư Prông thành lập 2 nông hội gồm: Nông hội trồng lúa thôn Đà Bắc và Nông hội trồng điều thôn Lũng Vân. Tham gia 2 nông hội này có 63 hộ với tổng diện tích điều và lúa là hơn 100 ha. Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của người dân, không biên chế, không ngân sách, hoạt động đơn thuần hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Thời gian sinh hoạt của nông hội rất linh hoạt, tùy theo thỏa thuận của các hội viên, không ảnh hưởng đến công việc gia đình.

Ông Bùi Văn Tụy, hội viên Nông hội trồng điều thôn Lũng Vân phấn khởi cho biết, gia đình có 3 ha điều, mùa này thu hoạch quân bình đạt hơn 1,5 tấn/ha, cao hơn nhiều so với những năm trước. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được Ban Chủ nhiệm nông hội hỗ trợ tìm các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Cái khó của chúng tôi bây giờ là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình chăm sóc cây trồng”.

Theo ông Đinh Văn Minh, chủ nhiệm Nông hội trồng điều thôn Lũng Vân, hiện nay, thôn có hơn 200 ha điều. Tuy nhiên, Nông hội trồng điều mới chỉ có 30 hội viên tham gia với diện tích 33 ha. Chúng tôi thường xuyên tổ chức sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ khó khăn, đặc biệt là giúp đỡ các hộ nghèo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây điều nhằm nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, các hội viên Nông hội còn hỗ trợ nhau thu hoạch khi đến mùa thu hoạch. Năng suất điều của các hội viên Nông hội hiện đạt 1,5 tấn/ha, cao hơn các hộ không tham gia nông hội là 300 kg/ha. Chúng tôi hy vọng thời gian tới có nhiều hộ gia đình trong thôn tham gia nông hội để cùng nhau phát triển kinh tế.

Nói về mô hình nông hội tại địa phương, ông Hoàng Văn Long, phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-đánh giá: mặc dù mới thành lập nhưng các nông hội trên địa bàn xã đã bước đầu hoạt động có hiệu quả. Các nông hội đã phát huy tính tự quản cộng đồng trong hoạt động, ngoài chia sẻ kinh nghiệm sản xuất còn là nơi bàn chuyện đời sống, giải quyết các vấn đề chung của xã hội. Hiện nay, trên địa bàn xã có 218 hộ dân tộc Jrai vì thiếu kinh nghiệm sản xuất nên hơn 100 ha lúa của các hộ này năng suất đạt thấp.

Ông Long cho hay, thời gian tới, chính quyền sẽ vận động các hộ này tham gia nông hội để học tập kinh nghiệm sản xuất lúa nước nhằm nâng cao đời sống.

Văn Hùng