Ngày 1-4-2015, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132 đã thông qua Nghị quyết về “Chiến tranh mạng: mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh toàn cầu”. Tháng 9-2019, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở thành phố Niu Oóc (Mỹ), 20 quốc gia đã ký thỏa thuận ngăn chặn lan truyền tin giả trực tuyến. Đây là những tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế, là cơ sở để tiến tới xây dựng một điều ước quốc tế về bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

{keywords}
Mô hình bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp (Ảnh minh họa).

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên gay gắt, khó lường. “Cuộc chiến” bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng vẫn tiếp tục nóng lên ở cả mức độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Để giải quyết vấn đề đó, ASEAN đã chủ động thiết lập các diễn đàn khu vực để thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, phối hợp lập trường trong việc thực thi các chuẩn mực bảo đảm an ninh mạng.

Theo đó, kể từ năm 2016, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng đã được tổ chức thường niên, thu hút được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cấp cao của Chính phủ các nước thành viên ASEAN cũng như các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới.

Là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong khối ASEAN, năm 2019, Việt Nam đã cùng với Singapore và Brunây chính thức cử cán bộ tham gia Nhóm công tác ASEAN về phòng, chống tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao (ASEAN Desk) đặt tại Tổ hợp Interpol toàn cầu (IGCI), Xin-ga-po.

Hằng năm, Việt Nam cũng tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố cho mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia, ứng cứu sự cố theo ngành, lĩnh vực quan trọng. Tại cấp độ quốc tế, Việt Nam đã thực hiện chủ trì tổ chức diễn tập các tổ chức CERT khu vực Đông Nam Á (ACID 2018), tham gia với vai trò đồng chủ trì diễn tập trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Nhật Bản. 

Ngay từ khi triển khai cơ chế hợp tác ASEAN trong lĩnh vực này, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia cùng các nước ASEAN thảo luận, thúc đẩy các sáng kiến, cơ chế phối hợp trong xây dựng chính sách, hướng đến xây dựng các bộ quy tắc, tiêu chuẩn chung về an ninh mạng trong khu vực dựa trên các nguyên tắc. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đã tích cực triển khai lộ trình xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng theo 11 chuẩn mực được khuyến nghị trong Báo cáo năm 2015 của Nhóm Chuyên gia Chính phủ được Liên hiệp quốc bảo trợ về Phát triển trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng. Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và kiểm soát chuỗi cung ứng về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng hướng tới một môi trường mạng tin cậy hơn. 

Vấn đề này càng trở nên cấp bách khi thế giới và khu vực đang chứng kiến sự thay đổi to lớn của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 làm thay đổi cách thức sinh hoạt, làm việc của người dân gần như trên toàn thế giới. Người dân, tổ chức phải thích nghi với cách thức làm việc mới: làm việc từ xa, làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến trên môi trường mạng. Các mối đe dọa về an ninh mạng, tấn công mạng gia tăng cả về số lượng và phạm vi ảnh hưởng; tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm tội với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điều này làm cho công tác đảm bảo an toàn mạng càng trở nên hết sức quan trọng.

Việt Nam nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng nhằm góp phần duy trì một không gian mạng lành mạnh, an toàn và giúp cho việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin hiệu quả hơn.

Quyết Thắng