Đây là báo cáo lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, phân tích những thành tựu của 19 nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của trẻ em gái trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, sức khỏe, bảo vệ trẻ em và sự tham gia của các em trong xây dựng các chính sách pháp luật có liên quan tới các em.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Nghiên cứu của tổ chức Plan International chỉ ra rằng việc đầu tư vào bình đẳng giới, đặc biệt là đầu tư cho trẻ em gái và nữ thanh niên, có thể mang lại nhiều kết quả tích cực cho tất cả mọi người. Những nghiên cứu về các chỉ số chuyên sâu trên từng lĩnh vực cho thấy những quốc gia dù tổng thể đạt thứ hạng cao vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa trên các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ Singapore là nước dẫn đầu danh sách nhưng vẫn còn thiếu các luật cụ thể dành cho trẻ em. Philippines là nước đứng thứ 2 nhưng hiện còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức về vấn đề y tế. Cũng theo báo cáo này, tổng quan trên mọi lĩnh vực Việt Nam xếp thứ 3, đứng sau Singapore và Philippines. Đây là thành tựu lớn ghi nhận công sức của Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới cũng như toàn xã hội.

“Tôi rất vui khi nhận được kết quả của báo cáo và đặc biệt tự hào khi Việt Nam xếp thứ hạng tổng thể rất cao trong bảng xếp hạng. Việc Việt Nam xếp thứ hạng chưa cao ở chỉ số liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và bạo lực cũng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ chính phủ và các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả được vấn đề này. Đây cũng hiện là ưu tiên chính của chính phủ Việt Nam và tôi tin Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững thứ hạng cao như hiện tại và thậm chí sẽ vượt cả Philippines hay Singapore trong tương lai”, Bà Sharon Kane, giám đốc Quốc gia của Plan International tại Việt Nam chia sẻ.

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam- nơi vẫn tồn tại dai dẳng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Dù đã đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam vẫn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

{keywords}
Ảnh minh họa

Điểm nổi bật trong việc nâng cao vị thế trẻ em gái ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy thể hiện nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử theo quy định của Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái, một trong 3 mục tiêu thiên niên kỷ (MDG 2013), được Việt Nam hoàn thành trước thời hạn năm 2015, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Bên cạnh đó chính phủ triển khai nhiều chương trình cụ thể, ví dụ, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính.

Giờ đây, khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang dần được rút ngắn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Hiện nay trên thế giới, vẫn chưa có một quốc gia nào đạt được bình đẳng giới tuyệt đối. Các nước trong khu vực Châu Á và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bởi thế cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, Việt Nam rốt ráo thúc đẩy hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo, xã hội, gia đình và phụ nữ về quyền của phụ nữ, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi nguồn lực để bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

“Chỉ còn khoảng 10 năm để chúng ta hoàn thành Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030, Plan International muốn kêu gọi tất cả quốc gia tại Châu Á cùng đầu tư vào trẻ em gái ngay ngày hôm nay. Đó chính là lý do chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn báo cáo này”, bà Anne-Birgitte, Albrectsen, Tổng Giám đốc tổ chức Plan International toàn cầu chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin Việt Nam nằm trong ba nước đứng đầu khu vực Nam Á và Đông Nam Á về vị thế của trẻ em gái trong các lĩnh vực đời sống.

 

Theo Điều 81 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực y tế quy định:

- Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; tư vấn phương pháp để có được thai nhi theo ý muốn.

- Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán, cho thuê, phân phát, đưa lên mạng Internet xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; đăng, phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được thai nhi theo ý muốn.

- Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

Điều 82 quy định:

- Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi bói toán cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi.

- Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi bắt mạch, siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Hòa Bình