Khi nói đến một thể chế chính trị tiến bộ, một quốc gia văn minh, thì không thể không nói đến thể chế chính trị, quốc gia đó có quan tâm đến việc bảo đảm những quyền cơ bản của con người hay không. Chế độ chính trị XHCN mà Việt Nam đang nỗ lực xây dựng, thực hiện là một chế độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Vì vậy, từ khi lập quốc theo thể chế dân chủ XHCN đến nay, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng bảo đảm quyền con người cho mọi người dân. 

{keywords}
Từ khi lập quốc theo thể chế dân chủ XHCN đến nay, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng bảo đảm quyền con người cho mọi người dân.

Từ nhận thức sâu sắc về quyền con người

Tuy không phải là quốc gia đầu tiên đề ra các vấn đề về quyền cơ bản của con người, nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia sớm tiếp cận về quyền con người.

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, thông qua khẳng định các giá trị của một dân tộc là quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn nhấn mạnh quyền con người chỉ thực sự được bảo đảm khi gắn liền với quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Quốc hiệu Việt Nam từ khi thành lập chính quyền cách mạng đến nay cũng nhất quán một khẩu hiệu: “Độc lập- Tự do- Hạnh phúc”. Điều đó có nghĩa là, mục tiêu trước sau như một mà cả dân tộc Việt Nam kiên trì thực hiện là bảo đảm dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất hơn một lần nhấn mạnh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, và: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. 

Qua nhiều lần xây dựng, sửa đổi Hiến pháp, từ các bản Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 đến Hiến pháp 2013 luôn giữ một vấn đề căn cốt là hiến định các quyền con người và quyền công dân. Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định mục tiêu bao trùm là xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường XHCN “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, thì đến đại hội sau, mục tiêu này được bổ sung là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” và sau đó là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bổ sung tiêu chí “dân chủ” và đưa tiêu chí “dân chủ” lên trước tiêu chí “công bằng, văn minh” không chỉ là vấn đề câu chữ, mà thực chất là Đảng ta đã xác lập đúng vị trí, vai trò dân chủ- nội hàm liên quan đến quyền là chủ, quyền làm chủ của nhân dân để bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn.  

Do trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân đế quốc kéo dài suốt ba thập niên (1945-1975) và chịu sự tác động, ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng kinh tế- xã hội khoảng chục năm sau khi đất nước thống nhất, dù rất quan tâm, song Việt Nam chưa có điều kiện thuận lợi để bảo đảm thực sự đầy đủ các quyền con người. Tuy vậy, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, hơn 30 năm qua, Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc và bảo đảm tốt hơn quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đến hiện thực hóa bằng những chính sách chăm lo phát triển toàn diện con người

Đất nước càng phát triển, các thành tựu kinh tế- xã hội càng lớn thì Việt Nam càng có điều kiện quan tâm thực hiện các quyền con người cho mọi người dân. Có những con số vốn lạnh lùng, khô khan. Nhưng cũng có những con số luôn có hồn vì nó đã “biết nói” và thể hiện trọng lượng, giá trị cao cả của mình trước công luận, trước cộng đồng quốc tế.

Thành tựu về quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua thể hiện trên mọi lĩnh vực, nhất là những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế trong hơn 30 năm đổi mới (1986-2019). Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, quy mô nền kinh tế năm 1985 mới có 14 tỉ USD, thì đến năm 2018 ước đạt 244 tỉ USD, tăng gấp hơn 17,4 lần.

Nền kinh tế Việt Nam hiện đứng thứ 44 thế giới theo GDP danh nghĩa và thứ 34 khi tính theo sức mua tương đương quốc tế.Với việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo từ trên 60% (năm 1986) xuống còn khoảng 7% (cuối năm 2017), Việt Nam đã chuyển từ nhóm thu nhập thấp sang thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 mới đạt 230 USD đến nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD).

“Có thực mới vực được đạo”. Sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục không chỉ là cơ sở để chúng ta bảo đảm cái ăn, cái mặc cho người dân, mà còn là tiền đề để Nhà nước chăm lo thực hiện tốt các chính sách an sinh, văn hóa xã hội. Điều đó được thể hiện ở “chỉ số phát triển con người” (HDI). Báo cáo chuyên đề về HDI do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố vào trung tuần tháng 10-2018 cho biết, HDI của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua. Trong năm 2017, với chỉ số HDI là 0,684, xếp thứ 116/189 quốc gia, Việt Nam được UNDP đánh giá là quốc gia có chỉ số HDI thuộc nhóm trung bình cao.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nỗ lực bảo đảm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận cho người dân. Hiện nay, tất cả các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương, các giai cấp, tầng lớp, các hội nghề nghiệp, các giới, các thành phần “nam, phụ, lão, ấu” trong xã hội đều có tờ báo, tạp chí, bản tin của mình.

Nếu mỗi công dân Việt Nam tham gia sinh hoạt, hoạt động ở tổ chức nào thì đều có ấn phẩm báo chí của tổ chức đó bảo đảm quyền được thông tin của mình. Internet mới vào Việt Nam từ cuối năm 1997, chỉ trong vòng 20 năm, nhờ chính sách phát triển thông thoáng, Việt Nam hiện có hơn 60% người dân sử dụng internet, xếp thứ 16 thế giới về số lượng người dùng mạng thông tin toàn cầu này.

Từ một nước bị “bế quan tỏa cảng” về nhiều mặt, Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 190 nước thuộc tất cả các châu lục, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 quốc gia, quan hệ đối tác chiến lược với 13 quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện với 11 quốc gia. Trong số 27 quốc gia này có 5 nước là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ) và nhiều cường quốc khác như Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Brasil… Việt Nam cũng đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia.

Vị thế, hình ảnh, tiếng nói của Việt Nam ngày càng được tăng cường, nâng cao và có uy tín trên trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019... Tháng 5-2018, Việt Nam đã được 53 nước châu Á-Thái Bình Dương nhất trí đề cử là ứng cử viên duy nhất của khu vực này làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, không có tên trên bản đồ thế giới, sau hơn bảy mươi năm huy động sức dân đồng lòng thực hiện sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã trở thành một quốc gia hòa bình, độc lập, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là một trong những nước tiên phong và là điểm sáng về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh, công bằng và tiến bộ xã hội.

Là một quốc gia đang phát triển, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Nhưng với bản chất của một chế độ xã hội ưu việt mà cả dân tộc đã tự nguyện lựa chọn và kiên trì thực hiện, thông qua chủ trương, đường lối phát triển kinh tế- xã hội đúng đắn và hợp xu hướng thời đại, Việt Nam ngày càng có điều kiện tạo ra những tiền đề cơ sở vật chất, văn hóa để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu xây dựng đất nước theo định hướng XHCN “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với hàm ý nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên trì, nỗ lực bảo đảm “quyền sung sướng” (dân giàu) và “quyền tự do” (dân chủ) mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu ra trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

Khi quốc gia giàu có về vật chất, văn hóa, tinh thần và bảo đảm tự do, dân chủ về mọi mặt, đó chính là chiều sâu thể hiện cam kết chính trị của Việt Nam cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về nhân quyền đã được xác định trong “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người”.

Trần Hằng